Tỷ giá VND/USD sẽ theo hướng nào?
Theo BVSC, thâm hụt thương mại tiếp tục gia tăng cùng với việc các dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam đang mang đến nhiều rủi ro đối với tỷ giá trong trung và dài hạn.
Gần một tháng nay, tỷ giá ngoại tệ trên thị trường đã hình thành xu hướng giảm liên tục, và trong khoảng gần mười ngày trở lại đây thì tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng đi vào ổn định, dù NHNN không tung ra biện pháp trực tiếp nào.
Dạo qua một loạt các NHTM trong sáng ngày 21/6, có thể thấy giá mua bán ngoại tệ của một số NHTM đã có những điều chỉnh giảm từ 50-100 đồng/USD so với những ngày trước đó.
Cụ thể, giá niêm yết tại Vietcombank trong sáng ngày 21/6 mua vào là 20.600 đồng/USD và giá bán ra là 20.670 đồng/USD, so với hôm trước giá mua bán của Vietcombank đã được điều chỉnh tương ứng là 50-100 đồng/USD.
Tương tự, ACB cũng đã đưa tỷ giá về 20.580-20.680 đồng, so với hôm qua, mỗi USD đã mất 50 đồng và 70 đồng. Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố ngày 21/6 tiếp tục ổn định ở mức 20.618 đồng.
Những động thái điều chỉnh chính sách trên thị trường ngoại hối như: tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ và giảm trần lãi suất huy động bằng USD đối với các tổ chức tín dụng và cá nhân của NHNN trong thời gian qua cho thấy cơ quan này đang quyết tâm thiết lập lại sự ổn định của thị trường ngoại hối vốn luôn bị thị trường tự do chi phối trong những năm gần đây.
Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, hạ thấp trần lãi suất tiền gửi USD đều là những biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng đồng thời giúp khơi thông dòng tiền tiết kiệm chảy vào ngân hàng.
Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên, các ngân hàng sẽ phải xem xét tăng lãi suất cho vay bằng ngoại tệ, buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ hơn khi đi vay vốn bằng đồng tiền này. Với việc giảm trần lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức từ 1% xuống 0,5%, đối với cá nhân từ 3% xuống 2%, các đối tượng trên sẽ không còn nhiều động lực để nắm giữ USD nữa.
Một thông tin cũng khá tích cực hỗ trợ cho sự ổn định tỷ giá trong thời gian tới là Ngân hàng Thế giới (WB) chấp thuận cho Việt Nam vay tổng cộng 1,16 tỷ USD để sử dụng cho ba dự án phát triển. Đây là một con số tương đối lớn và nếu Việt Nam có kế hoạch giải ngân hợp lý thì sẽ là cơ hội để Việt Nam vừa có vốn để phát triển vừa cải thiện được quỹ dự trữ ngoại hối.
Có thể nói, việc thị trường ngoại hối bình ổn hiện vẫn là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam, vốn đang bị phủ bóng đen bởi lo ngại lạm phát và mặt bằng lãi suất.
Dù thị trường ngoại hối đang đạt được sự ổn định cần thiết, tuy nhiên, trong báo cáo vĩ mô mới nhất của BVSC cho rằng, vẫn cần thận trọng với vấn đề tỷ giá trong trung và dài hạn. Thâm hụt thương mại tiếp tục gia tăng cùng với việc các dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam đang mang đến nhiều rủi ro đối với tỷ giá trong trung và dài hạn.
Cụ thể: nhập siêu 5 tháng đầu năm xấp xỉ 6,6 tỷ USD tương đương với 19,5% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra trong những tháng tiếp theo thì việc kiểm soát nhập siêu cả năm ở mức 16% kim ngạch xuất khẩu là khó khả thi.
Trong khi đó, thu hút FDI 5 tháng đầu năm giảm sút, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 4,7 tỷ USD, tương ứng 51% so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng 23,5% kế hoạch cả năm. Tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn cùng với các điều kiện vĩ mô trong nước còn nhiều bất ổn chính là nguyên nhân khiến lượng vốn FDI giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm nay và dự kiến sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong những tháng cuối năm.
Bất ổn chính trị trên thế giới cùng với chính sách giảm trần lãi suất huy động USD cũng có thể sẽ hạn chế lượng kiều hối chảy về Việt Nam.
Mặt khác, do chênh lệch lãi suất VND so với USD là khá cao (khoảng 16-17%) nên nhu cầu đi vay bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp vẫn gia tăng (tốc độ tăng dư nợ tín dụng ngoại tệ trong tháng 5 mặc dù đã chậm lại nhưng vẫn tăng 2,48% so với tháng trước, và tăng 18,87% so với cuối năm 2010, trong khi dư nợ tín dụng VND chỉ tăng tương ứng 0,62% và 2,77%).
“Điều này hàm ý rằng nhu cầu ngoại tệ khi các hợp đồng tín dụng đến hạn trả nợ sẽ rất lớn”, báo cáo của BVSC nhận định.
Ông Tai Hui, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của ngân hàng Standard Chartered, từng dự đoán từ nay đến cuối năm sẽ có thêm một đợt điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD. Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường, Standard Chartered nhận thấy thị trường đang dần có những chuyển biến tích cực, và trong tương lai gần áp lực giảm giá VND sẽ dần hạ nhiệt.
Vậy, điều gì có thể dừng việc giảm giá của đồng VND? Ông Tai Hui cho rằng, đó chỉ có thể là sự ổn định được lòng tin vào VND, nếu Chính phủ tiếp tục duy trì tỷ giá giữa VND và USD ở mức hợp lý.
“Nếu việc này xảy ra, dự đoán của chúng tôi có thể đi theo hướng khác, và VND sẽ không tiếp tục giảm giá. Cho tới hiện tại, nếu như câu hỏi chỉ là dự đoán tỷ giá quy đổi giữa VND và USD tới cuối năm nay, thì câu trả lời là sẽ ở mức 21.800 VND cho 1 USD”, ông Tai Hui nói.
Theo VnEconomy