Điểm tin kinh tế ngày 20/5/19
(PetroTimes) - Dư nợ thuế khó thu tại TP HCM và Hà Nội tăng cao; nửa đầu tháng 5, cả nước nhập siêu nhập siêu gần 2 tỉ USD; mỗi người dân Việt Nam 'gánh' hơn 32 triệu đồng nợ công; giá giảm, xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc tăng đột biến; hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm... là những thông tin kinh tế nổi bật trong ngày 20/5.
Dư nợ thuế khó thu tại TP HCM và Hà Nội tăng cao
Tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2017 là 82.659 tỷ đồng, theo kết quả kiểm toán |
Gửi Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2017 là 82.659 tỷ đồng, tăng 0,8% (681 tỷ đồng) so với cùng kỳ của năm 2016 (82.659 tỷ đồng/81.978 tỷ đồng).
Đáng chú ý, mặc dù tỷ trọng nợ thuế so với thu nội địa (trừ dầu thô) giảm so với các năm trước song hầu hết các địa phương có dư nợ khó thu tăng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao. Tp.HCM tăng 25% (1.878 tỷ đồng), thành phố Hà Nội tăng 45,9% (1.671 tỷ đồng), Yên Bái tăng 289% (182,3 tỷ đồng), Lào Cai tăng 170,6% (236,7 tỷ đồng), Thanh Hóa tăng 41,3% (141 tỷ đồng)...
Theo kết quả kiểm toán, ngoài các nguyên nhân do tình hình kinh doanh khó khăn, thua lỗ, không chấp hành, chây ì, nợ thuế kéo dài thì công tác đôn đốc thu nợ thuế của cơ quan thuế tại một số địa phương chưa quyết liệt, áp dụng các biện pháp cưỡng chế chưa kịp thời, triệt để. Một số cơ quan thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu của ngành về thu hồi nợ đối với các khoản nợ thuế có khả năng thu đến 31/12/2016, phân loại nợ chưa chính xác.
Nửa đầu tháng 5, cả nước nhập siêu nhập siêu gần 2 tỉ USD
Thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố ngày 20/5, nửa đầu tháng 5, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 11,542 tỉ USD, xuất khẩu chỉ đạt 9,694 tỉ USD. Như vậy, cả nước nhập siêu tới gần 1,85 tỉ USD chỉ riêng nửa đầu tháng 5. Tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5, thâm hụt thương mại cả nước hơn 1 tỉ USD. Cụ thể tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 89,909 tỉ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu là 88,9 tỉ USD.
Thống kê cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng này, có 2 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,22 tỉ USD và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,688 tỉ USD. Hai nhóm hàng này cũng là những nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất, trong đó, nhóm hàng nhập khẩu như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 18 tỉ USD; nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 13,25 tỉ USD. Riêng hai nhóm hàng này chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Theo Tổng cục Hải quan, nhập siêu lớn trong nửa đầu tháng 5 cho thấy cán cân thương mại của Việt Nam những tháng đầu năm nay liên tục biến động. Cụ thể, tháng 1 xuất siêu 815 triệu USD, tháng 2 nhập siêu 769 triệu USD, tháng 3 lại quay sang xuất siêu 1,627 tỉ USD, sang tháng 4 lại thâm hụt lên đến 554 triệu USD và 15 ngày đầu tháng 5 tiếp tục nhập siêu mức cao như trên.
Mỗi người dân Việt Nam 'gánh' hơn 32 triệu đồng nợ công
Báo cáo vừa được Chính phủ gửi lên Quốc hội cho biết tình hình nợ công tính đến hết ngày 31.12.2018 có khả quan và được kiểm soát. Theo đó, tỷ lệ nợ công Việt Nam đang ở mức 58,4% GDP. Đây được xem là mức thấp nhất 3 năm qua. Kết quả này cũng thấp hơn kịch bản nợ công ở mức 63,9% GDP mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hồi tháng 8.2018 và trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Ngoài nợ công, theo Bộ Tài chính, nợ Chính phủ 2018 ở mức 50% GDP, nợ được bảo lãnh Chính phủ là 7,9% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 46% GDP. Nợ chính quyền địa phương khoảng 0,5% GDP. Nếu cộng các khoản vay về cho vay lại và vay Ngân hàng Phát triển thì chỉ số nợ này khoảng 0,9% GDP. Các chỉ tiêu nợ này đều nằm trong giới hạn cho phép.
Theo tính toán, với quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 5,5 triệu tỉ đồng, nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỉ thì bình quân mỗi người dân Việt Nam "gánh" hơn 32 triệu đồng nợ công năm 2018.
Giá giảm, xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc tăng đột biến
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính lũy kế hết tháng 4 năm nay, xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc tăng gần 114% về lượng và tăng trên 102% về kim ngạch so cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng xăng dầu đạt 1,36 triệu tấn, tương đương 689,29 triệu USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 6,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc với gần 680.000 tấn, tương đương 344 triệu USD, chiếm gần 50% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô cả nước.
So với cùng kỳ năm ngoái, dầu thô bán sang thị trường Trung Quốc tăng 114% về lượng và tăng 102% về kim ngạch. Tuy nhiên, giá xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc lại giảm 5,4%, đạt 506,7 USD/tấn.
Thị trường lớn thứ 2 mua dầu thô của Việt Nam là Thái Lan, chiếm trên 23% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 317.428 tấn, tương đương 160,66 triệu USD, tăng 71,5% về lượng và tăng 62,2% về kim ngạch. Thứ 3 là thị trường Malaysia với 128.166 tấn, tương đương 62 triệu USD, tăng 64,6% về lượng và tăng 50,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu dầu thô sang Malaysia hiện chiếm gần 9% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch dầu thô xuất khẩu của Việt Nam.
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm trong phiên giao dịch ngày 20/5, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát đi tín hiệu hòa giải trong các cuộc chiến thương mại, nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Trung Quốc đình trệ.
Thị trường Mumbai tăng hơn 2% và đồng rupee tăng 1% khi các kết quả thăm dò ngoài phòng phiếu sau cuộc bầu cử Hạ viện cho thấy Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi có khả năng tiếp tục duy trì quyền lực. Thị trường Sydney tăng 1,7% sau chiến thắng của liên minh đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền trong cuộc bầu cử liên bang và đồng đôla Australia tăng 0,7% so với đồng bạc xanh. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,2%, lên chốt phiên ở mức 21.301,73 điểm, khi các nhà giao dịch nhận được sự khích lệ từ số liệu tăng trưởng kinh tế vượt dự báo.
Các thị trường toàn cầu bị xáo trộn trong hai tuần sau khi ông Trump đe dọa và sau đó là thực hiện việc tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, động thái mà Trung Quốc cũng đã có hành động đáp trả. Diễn biến này đã gây trở ngại cho cuộc đàm phán thương mại kéo dài giữa hai nước, khi một thỏa thuận được cho là đã sắp đạt được.
Lâm Anh (t/h)