Chuyên gia Cấn Văn Lực: Không đáng ngại trước sự phá giá của đồng Nhân dân tệ
(PetroTimes) - Việc phá giá đồng Nhân dân tệ tới mức thấp nhất (6,9100 NDT/USD) kể từ tháng 12/2018 đến nay của Trung Quốc nhằm giảm tác động thực tế của thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ thực sự đang làm dấy lên sự lo lắng về những tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp, đời sống người dân nói riêng. Việc tác động này sẽ như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ vào tuần trước ở mức 0,6%, tức là lên tới 6,8365 nhân dân tệ/USD sau đó lại lên 6,9100 NDT/USD?
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Đây là diễn biến không có gì ngạc nhiên trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Tuy nhiên, tôi không cho rằng qua động thái này, Trung Quốc muốn dùng tiền tệ là công cụ để giảm thiểu tác động của cuộc chiến bởi 2 lý do: một là, Trung Quốc không muốn bị kết tội là thao túng tiền tệ, hai là Trung Quốc đang trong lộ trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Và một trong những yêu cầu của họ là phải ổn định được tình trạng tiền tệ. Chính vì vậy, họ không muốn làm biến động. Tuy nhiên, một trong những lý do quan trọng dẫn đến hành động điều chỉnh giá của Trung Quốc là do đồng đô la Mỹ tăng giá rất mạnh và chứng khoán của Mỹ cũng đã tăng trở lại. Chính vì thế mà kinh tế Mỹ đánh giá mức độ tác động của chiến tranh thương mại tới họ là không quá nhiều. Họ kỳ vọng nó sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng với mức độ khả quan.
Chuyên gia Cấn Văn Lực |
PV: Thế nhưng theo ông, việc đồng Nhân dân tệ phá giá như vậy có tác động đến Việt Nam không và nếu tác động sẽ như thế nào?
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Rõ ràng là sẽ tác động nhất định tới thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam. Bởi đồng Nhân dân tệ cũng là 1 trong 8 loại tiền tệ tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam. Thứ hai là quan hệ kinh tế thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc tương đối lớn. Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức bình tĩnh theo dõi và đánh giá tác động về mặt tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp Việt Nam chúng ta trong bối cảnh có nhiều rủi ro như hiện nay. Theo tôi những doanh nghiệp chịu tác động nhất là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, những doanh nghiệp hiện nay phải nhập khẩu nhiều và cả doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, khả năng chống chịu, khả năng quản lý rủi ro của doanh nghiệp FDI khá là tốt vì họ có hậu thuẫn rất mạnh là công ty mẹ ở nước ngoài.
PV: Theo ông sự tác động này có đáng ngại không?
Chuyên gia Cấn Văn lực: Thực sự theo tôi sự tác động này không đáng ngại. Đúng là quan hệ thương mại giữa hai nước rất là lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là đồng đô la Mỹ. Chỉ có một số hợp đồng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ. Và khi bằng đồng Nhân dân tệ thì cơ bản hai bên cũng đã chốt giá với nhau trước đó. Còn tất nhiên trường hợp có rủi ro tỷ giá tăng. Nhưng nếu đồng Nhân dân tệ giảm nhiều thì cái đó lại có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam hơn là thiệt. Bởi lúc bấy giờ là quy đổi, dùng đô la Mỹ để quy đổi ra đồng Nhân dân tệ, sẽ cần ít đô la Mỹ hơn. Và như thế là chúng ta có lợi. Nhưng theo tôi hiểu hiện nay đa số thanh toán bằng đồng đô la Mỹ, kể cả quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và đô la Mỹ là 6,9100 NDT/USD |
PV: Vậy theo ông, để tránh tác động tiêu cực từ việc thay đổi tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và đô la Mỹ, Việt Nam cần làm gì?
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Trước hết chúng ta cần làm ba việc, một là phối hợp chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ với tài khóa ở mức độ chặt chẽ hơn, tốt hơn. Thứ hai là tăng cường truyền thông để trấn an tâm lý vốn dĩ tương đối nặng nề về lạm phát, về tỷ giá... Thứ ba là cơ quan quản lý cần phải có những thông điệp với thị trường, với người dân, với doanh nghiệp để trấn an cũng như bảo đảm tính ổn định của thị trường. Đây là một động thái rất quan trọng nhằm giúp cho tâm lý ổn định hơn dẫn đến những cái khác sẽ ổn định.
PV: Thế còn Ngân hàng Nhà nước, ông có cho rằng cần có những biện pháp gì được coi là kịp thời trong thời điểm này?
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Theo tôi việc Ngân hàng Nhà nước nên làm thứ nhất là theo dõi, phân tích, đánh giá diễn biến giữa đồng Nhân dân tệ và đô la Mỹ. Thứ hai là điều hành tỷ giá như mọi khi. Thứ ba là truyền thông thông điệp tới thị trường là sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết. Và tôi nghĩ là Ngân hàng Nhà nước đủ năng lực để can thiệp thì sẽ ổn định, trấn an tâm lý mọi người tốt hơn rất nhiều.
PV: Còn với doanh nghiệp thì sao thưa ông?
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Doanh nghiệp như tôi đã nói cũng cần hết sức bình tĩnh, đánh giá kỹ hơn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ tác động như thế nào tới ngành nghề của mình cũng như bản thân doanh nghiệp. Từ đó đưa ra những đối sách, giải pháp phù hợp. Thứ hai là chú trọng hơn các công cụ quản lý rủi ro. Trong đó có rủi ro về tài chính, rủi ro về tỷ giá, về lãi suất. Những công cụ này, hiện nay các ngân hàng thương mại đều đã và đang có. Và cần phải có sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp để kiểm soát rủi ro về tỷ giá, về lãi suất để tốt hơn.
PV: Theo ông, thị trường chứng khoán của Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ như vậy?
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Hiện nay tương quan giữa chứng khoán Việt Nam với thế giới, kể cả Mỹ là tương đối chặt chẽ. Với thị trường chứng khoán Mỹ là khoảng 88%. Cuối tuần qua thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã xanh trở lại và Việt Nam cũng đã xanh trong những ngày đó. Điều đó chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư Việt Nam khá là ổn. Và họ đang kỳ vọng là sẽ có được tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt như tôi đã phân tích đối với dòng vốn đầu tư cả trực tiếp, gián tiếp cũng như bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở cao cấp - nhà cho chuyên gia nước ngoài, bất động sản trung bình - nhà ở xã hội cho công nhân và các khu công nghiệp lân cận.
PV: Ông có khuyến nghị gì cho các nhà đầu tư trong thời điểm này?
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Tôi nghĩ rằng kỳ vọng của nhà đầu tư là hoàn toàn chính xác trong thời điểm hiện nay. Tất nhiên chúng ta không chủ quan, vì tình hình thay đổi rất nhanh cho nên phải bám sát và phân tích kể cả kịch bản dự phòng cho phù hợp.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tú Anh