Loạt chủ doanh nghiệp bị bắt: “Cú sốc” buôn lậu tại Nhật Cường; Bê bối tại Tân Thuận, Sadeco
Trong tuần qua, việc ông chủ Nhật Cường Mobile bị khởi tố về tội “buôn lậu”, tội “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và ông Tề Trí Dũng - nguyên Tổng giám đốc Tân Thuận (IPC), bà Hồ Thị Thanh Phúc -Tổng Giám đốc Sadeco bị bắt do liên quan tới hai tội danh “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” là những thông tin đáng chú ý.
Khởi tố, bắt tạm giam ông chủ Nhật Cường Mobile
Cảnh sát làm việc tại cửa hàng Nhật Cường mobile trên phố Lý Quốc Sư. (Ảnh: Tiến Nguyên) |
Ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án số 27/C03-P14 về tội “Buôn lậu” theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 221 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại Công ty Nhật Cường.
Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường và 8 đồng phạm về cũng liên quan đến 2 tội danh nói trên.
Ngày 14/5/2019, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với các bị can theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan; xác minh để thu hồi, kê biên triệt để tài sản cho Nhà nước.
Bắt ông Tề Trí Dũng và nữ CEO Sadeco
Ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc IPC và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Sadeco đều đã bị bắt tạm giam với cáo buộc Tham ô tài sản và Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí |
Ngày 14/5, Công an TPHCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) do liên quan đến các sai phạm tại công ty này.
Theo cơ quan công an, ông Tề Trí Dũng bị khởi tố về 2 tội danh: “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Sáng ngày 15/5, Công an TPHCM tiếp tục thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Hồ Thị Thanh Phúc - Tổng giám đốc Sadeco để điều tra 2 tội danh “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Liên quan đến thương vụ “bán rẻ” 9 triệu cổ phần Sadeco, ngày 17/1/2019, Sadeco và Nguyễn Kim đã ký thoả thuận chấm dứt hợp đồng hợp tác chiến lược và Sadeco đã hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nguyễn Kim đã thanh toán (360 tỷ đồng) và lãi tiền gửi ngân hàng phát sinh.
Tại ngày lập báo cáo tài chính riêng, tỷ lệ sở hữu của Tân Thuận (IPC) trong Sadeco vẫn chưa được thay đổi (vẫn là 28,77%) do Sadeco đang thực hiện thủ tục pháp lý và chưa nhận được phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền.
Tỷ giá USD/VND "tạo sóng" lớn
Sáng 14/5, cặp tỷ giá USD/VND được nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh thêm từ 20 - 30 đồng so với cuối ngày hôm qua và tăng tới 85 đồng so với sáng 13/5.
Tính từ đầu năm 2018, tỷ giá đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tăng 580-600 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Tỷ giá USD/VND tăng chủ yếu do tác động từ thị trường tiền tệ thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Ngày 13/5, Trung Quốc đã quyết định trả đũa với Mỹ sau khi tuyên bố tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ kể từ ngày 1/6 tới đây.
Ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức 23.054 đồng (tăng 7 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.200 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.699 đồng (không đổi).
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng rưỡi và trở thành trở thành một trong những đồng tiền có diễn biến tồi tệ nhất trên thế giới trong tháng 5.
Trung Quốc phá giá nhân dân tệ: Tiền Việt Nam chịu “sức ép” lớn
Việc Trung Quốc chọn giải pháp phá giá nhân dân tệ để trả đũa Mỹ, áp lực giảm giá lên VND sẽ tăng lên đáng kể |
Trong một động thái đáp trả lại Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã quyết định phá giá nhân dân tệ (CNY) đối với USD ở mức 0,6%.
MBS cho rằng, với việc Trung Quốc chọn giải pháp phá giá nhân dân tệ để trả đũa Mỹ, áp lực giảm giá lên VND sẽ tăng lên đáng kể do hai nguyên nhân chính.
Một là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải chủ động hạ giá VND để tránh làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đối với các quốc gia mới nổi khác.
Hai là dòng vốn đầu tư có thể xuất hiện tình trạng rút lui khỏi các thị trường mới nổi do quan ngại suy thoái tại Trung Quốc do đó gây sức ép lên VND.
BVSC nhận định, trong trường hợp muốn giữ ổn định tỷ giá, NHNN có thể sẽ tính đến phương án bán ra USD, đồng nghĩa với hút tiền VND về. Nếu tình huống này xảy ra, NHNN nhiều khả năng sẽ phải tính toán để có động thái bơm ròng vốn qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và tín phiếu để giữ thanh khoản ổn định, tránh việc tăng cao đột biến của lãi suất liên ngân hàng.
Làm cao tốc Bắc -Nam: "Dùng vốn Trung Quốc thì phải chọn thêm rủi ro"
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM, chuyên gia kinh tế quốc tế |
Xung quanh chủ đề đang được dư luận quan tâm hiện nay khi ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, doanh nghiệp trong nước không có khả năng tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc Nam, trong khi nhà đầu tư Trung Quốc rất quan tâm, nhiều luồng ý kiến khác nhau đã được đưa ra.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Thế giới hiện nay tồn tại các thái cực khác nhau, trong đối tác có đối tượng và ngược lại, nên Việt Nam cần tỉnh táo, khôn ngoan và chính sách thông minh. Ai cũng biết Trung Quốc gắn liền với các dự án xấu, kém hiệu quả, làm ăn lèm bèm, đội vốn, thua lỗ. Đối với Trung Quốc, ngoại giao kinh tế phải bằng cả trái tim và trí óc".
Nói "No"- "không" với các nhà đầu tư Trung Quốc tưởng dễ, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay là khó, phải có luật lệ, quy định, phải dựa vào đâu? Còn nếu nói "Yes" với họ, phải làm rõ 4 vấn đề thuyết phục thì mới cho làm là: Tính hiệu quả của đồng vốn, của dự án; sức lan tỏa của dự án; giải quyết đầu tư công và đặc biệt là phải làm rõ và minh bạch với người dân.
TS Huỳnh Thế Du thì phân tích: "Ví dụ Việt Nam tiếp nhận các nguồn vốn ODA của Đức, Pháp, Nhật, chỉ cần chúng ta phân tích lợi ích của nguồn vốn này A, B, C. Nhưng với nguồn vốn của Trung Quốc, chúng ta phải chọn thêm rủi ro D nữa. Đại khái, nếu chi phí lợi ích trừ đi rủi ro, ra con số dương, thấy hiệu quả thì nên triển khai, còn nếu chi phí rủi ro lớn hơn lợi ích thì chúng ta không nên triển khai".
Theo DT