Lễ phát động toàn dân tập môn bơi, phòng chống đuối nước 2019
(PetroTimes) - Sáng 19/5, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Long Biên đã diễn ra “Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước 2019”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Ông Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc |
Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cùng đại biểu các Bộ ban ngành các cấp với hơn 3.000 các cô giáo và học sinh các trường học đã tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05 tháng 2 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em; hôm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP.Hà Nội tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2019.
Nhằm tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước và vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em và cộng đồng; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước.
Đuối nước là tác nhân gây tử vong cao cho trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam. Nguyên nhân gây nên đuối nước là do sự sao nhãng, bất cẩn, thiếu sự giám sát trông coi của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường sống không an toàn; do thiên tai bão lũ; do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy;... Trong thời gian qua, tình trạng trẻ em biết bơi giỏi vẫn đuối nước và tình trạng trẻ em bị đuối nước tập thể do không biết cách phòng tránh, không biết cách cứu đuối vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước thì việc phổ cập bơi và các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em là giải pháp hết sức cấp thiết.
Trong những năm qua, Bộ VH,TT&DL đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh/thành trong cả nước xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn. Tính đến nay, 100% các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, 80% quận, huyện, thành phố, thị xã có kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em và Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.
Để phong trào toàn dân tích cực tập luyện môn bơi phát triển mạnh mẽ và công tác phòng, chống đuối nước đạt hiệu quả, Bộ VH,TT&DL đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm phát triển môn bơi, coi môn bơi là một phương tiện hữu hiệu để phát triển thể lực, tầm vóc và phòng chống đuối nước trẻ em; quan tâm bố trí kinh phí triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em trong nguồn ngân sách hàng năm của địa phương; vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học; có chế độ ưu tiên, miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi; thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với các cơ sở tổ chức bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước trên địa bàn, đồng thời tiến hành rà soát, cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho trẻ tại cộng đồng cũng như tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tin tưởng rằng: “Sau Lễ phát động này Chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các Bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, gia đình và địa phương, giúp cho phong trào tập bơi, phòng, chống đuối nước trẻ em trên toàn quốc ngày càng phát triển. Mong rằng mỗi người dân, ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, các em học sinh, thiếu niên, nhi đồng không chỉ tích cực tập luyện môn bơi và tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước mà còn là tuyên truyền viên tích cực vận động gia đình, người thân, bạn bè của mình cùng học bơi và học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại buổi lễ phát động |
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Bơi là môn thể thao thú vị, quan trọng, biết bơi và biết các kỹ năng phòng chống đuối nước là sự cần thiết để mỗi người vượt qua hiểm họa, nguy cơ đe dọa tính mạng của bản thân để có thể cứu mạng mình và người thân.
Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam có trên 6.000 người, trong đó gần 2.000 trẻ em bị chết do đuối nước, tức là cứ 100.000 người có 5,9 người chết do đuối nước, tỷ lệ này so với các nước phát triển trong khối ASEAN là 5,2 người, thế giới là 4,3 người. Các báo cáo đã nêu dù có rất nhiều biện pháp đã triển khai nhưng tử vong do đuối nước còn rất lớn, vẫn còn gần 2.000 trẻ em tử vong hàng năm do đuối nước.
Chúng ta đã tích cực nhưng đã thật sự nghiêm túc chưa? Từ năm 2016 Thủ tướng đã có rất nhiều chỉ đạo, thậm trí có Chỉ thị nhưng đến hôm nay trong số trên 50,000 trường học của ngành giáo dục vẫn chỉ có chưa đầy 1.000 trường có triển khai chương trình là 100% học sinh biết bơi. Trong số khoảng 11.000 xã mới chỉ khoảng 1.000 xã triển kai chương trình này.
Vậy điều quan trọng nhất là chúng ta phải cùng nhau làm thật sự, làm nghiêm túc và làm trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm trước tính mạng của nhân dân, đặc biệt là tính mạng của trẻ em. Muốn tránh được, giảm được tỷ lệ chết do bị đuối nước trước hết phải biết bơi, biết bơi chưa đủ mà cần phải biết được kiến thức và các kỹ năng phòng chống ứng phó trong hoàn cảnh bị đuối nước và cứu người khác bị đuối nước như thế nào.
Điều đó cũng chưa đủ mà còn phải công tác cảnh báo những nguy cơ đuối nước như tắm biển ở những nơi có nguy cơ có nước xoáy, có sụt cát và nước sâu. Như vậy cũng chưa đủ mà phải còn làm thật tốt nhiều công tác để làm sao hạn chế những rủi ro do thiên tai gây ra, từ giữ rừng, cấm hút cát bên sông cho đến nhiều hoạt động khác. Đầu tiên là phải tập bơi, biết bơi phải được phổ biến kiến thức về phòng chống đuối nước. Muốn tập bơi được thì pải có chỗ tập bơi, để bơi, đây là điều rất quan trọng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tôi đê nghị các cấp các ngành thực sự nghiêm túc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng. Rất hoan nghênh các đơn vị nhà tổ chức, tài trợ đã hiểu rõ nguy cơ này để phong trào bơi, cuộc vận động bơi phòng chống đuối nước, và xây dựng các cơ sở bơi trong những năm vừa qua có những bước tiến tốt hơn. Tôi mong rằng lễ phát động ngày hôm nay thật sự tạo được sự chuyển biến tốt để tiến tới giảm thiểu số lượng người bị đuối nước ở Việt Nam, đầu tiên là phấn đấu bằng mức trung bình trong khối ASEAN sau đó tiến tới bằng mức trung bình của thế giới”.
Giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em |
Công bố bản hướng dẫn toàn cầu về phòng, chống đuối nước |
2,4 triệu USD hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em Việt Nam |
Quang Hưng