Ngân hàng: Thanh khoản đang được cải thiện
Trên thị trường tiền tệ, bất ổn tại châu Âu khiến đồng euro giảm mạnh so với USD, còn USD tăng giá so với nhiều ngoại tệ mạnh khác.
Tình hình thế giới
Nỗi lo sợ lại lan khắp khu vực châu Âu khi Hy Lạp bị Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poors hạ mức xếp hạng tín dụng xuống mức CCC, chỉ cao hơn 4 bậc so với mức vỡ nợ và đây cũng là mức thấp nhất thế giới. Các nhà đầu tư đang lo ngại về một hiệu ứng dây chuyền mà khởi đầu sẽ từ lĩnh vực ngân hàng.
Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua liên tục trồi sụt bởi những báo cáo tốt – xấu đan xen được công bố như sản xuất tại Mỹ trong tháng 6-2011 bất ngờ sụt giảm, trong khi đó số lượng người thất nghiệp tuần trước giảm.
Trên thị trường tiền tệ, bất ổn tại châu Âu khiến đồng euro giảm mạnh so với USD, còn USD tăng giá so với nhiều ngoại tệ mạnh khác.
Lạm phát tháng 5-2011 của Trung Quốc tăng cao kỷ lục trong gần 3 năm lên mức 5,5%, sản xuất công nghiệp tháng 5-2011 cũng tăng mạnh (13,3% so với cùng kỳ) đã khiến chính phủ nước này lo lắng và nâng tỉ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng lớn lên 21,5%. Tính từ đầu năm, đồng nhân dân tệ đã tăng giá khoảng 1,6% so với đồng USD. Như vậy, sau khi áp dụng một loạt các biện pháp thắt chặt như nâng lãi suất, thu hẹp cung tiền và kiềm chế giá bất động sản tăng nóng nhưng nền kinh tế nước này vẫn tăng trưởng mạnh.
Giá vàng thế giới trong tuần đi ngang và được củng cố bởi nhu cầu đầu tư an toàn trong bối cảnh nợ công ở Hy Lạp leo thang và triển vọng kinh tế Mỹ tiếp tục suy yếu, nổi bật là tranh cãi về việc nâng trần nợ lên mức 14,3 nghìn tỉ USD nhằm tránh việc vỡ nợ và tiếp tục vay vốn của Chính phủ Mỹ trước ngày 1-7.
Giá dầu thô tăng nhẹ trở lại vào cuối tuần sau, báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy tình trạng thất nghiệp đã giảm trong tuần trước và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thiếu hụt cung dầu toàn cầu. Giá dầu đã tăng nhẹ lên 95USD/thùng khi kết thúc ngày giao dịch hôm thứ 5, sau khi có phiên sụt giảm mạnh gần 5% phiên trước đó. Dù tăng nhưng giá dầu đã mất 6,94% so với cuối tuần trước và đây là mức thấp nhất gần 4 tháng qua.
Tình hình trong nước
Diễn biến về lãi suất và chính sách tiền tệ tiếp tục là chủ đề nóng trong tuần.
Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 10-6-2011, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,05% so với cuối năm 2010, trong đó tín dụng bằng VND vẫn thấp, chỉ tăng 2,72% trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng tới 22,21%. So với chỉ tiêu dưới 20% cho cả năm nay thì “room” tín dụng vẫn còn khá lớn.
Trong 2 tuần nay, lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành liên tục trúng thầu với tỉ lệ tới hơn 95% với lãi suất giảm dần cho thấy nhu cầu về trái phiếu đang tăng trở lại cùng với kỳ vọng lãi suất giảm dần.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại khẳng định sẽ giám sát chặt lãi suất huy động của các ngân hàng. Theo thanh tra NHNN, phần lớn các ngân hàng trả vượt trần lãi suất huy động cho các trường hợp gửi tiết kiệm đều áp dụng hình thức ủy thác đầu tư hoặc dưới hình thức tặng quà, lãi phạt chậm trả để lách trần lãi suất.
Tỉ giá mua bán USD của các ngân hàng thương mại bất ngờ tăng mạnh trong hai ngày cuối tuần với giá 20.630-20.800 đồng/USD (mua vào – bán ra) mặc dù tỉ giá bình quân liên ngân hàng không đổi trong suốt cả tuần ở mức 20.618 đồng/USD.
Dù giá vàng thế giới đang giảm nhưng giá vàng trong nước trong ngày cuối tuần lại tăng mạnh và vượt 37,9 triệu đồng/lượng nhưng giao dịch trên thị trường khá trầm lắng.
Diễn biến thị trường tuần tới
Việc liên tục thành công trong đấu thầu TPCP với lãi suất giảm dần cho thấy thanh khoản của các ngân hàng lớn đang được cải thiện và tình hình kinh tế vĩ mô được kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong những tháng tới. Tuy nhiên, NHNN vẫn có những động thái hút tiền về qua thị trường mở, siết chặt tín dụng, duy trì các lãi suất điều hành ở mức cao nên lãi suất vẫn chưa thể giảm ngay được.
Những khó khăn kinh tế tại châu Âu, Mỹ vẫn chưa được giải quyết, lạm phát đang tăng cao tại một số quốc gia nên khả năng tăng giá của vàng vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, dù hiện tại tỉ giá đang ổn định nhưng dòng vốn FDI, ODA thấp và kiều hối có xu hướng giảm cùng với nhập siêu lớn đang tạo áp lực cho tỉ giá cuối năm nay.
Thị trường chứng khoán tuần tới chịu tác động của việc công bố CPI tháng 6 cũng như các động thái của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo tỉ lệ cho vay phi sản xuất của các ngân hàng ở mức dưới 22%. Nhiều khả năng thị trường sẽ có những phiên tăng giảm với biên độ mạnh xen kẽ. Về dài hạn, việc thị trường chứng khoán hoạt động thiếu bền vững như hiện nay đang đặt ra những thách thức rất lớn cho tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng như việc huy động vốn của các doanh nghiệp.
Theo Năng lượng Mới