Giảm dư nợ cho vay phi sản xuất
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến thời hạn đưa tỉ trọng cho vay phi sản xuất trong tổng dư nợ tín dụng về dưới 22%. Điều này đồng nghĩa với sức ép thực thi yêu cầu của NHNN đối với một số ngân hàng trở nên căng thẳng. Chấp nhận chế tài phạt hay chạy "nước rút" để hạ bằng được tỉ lệ xuống? Câu hỏi dành cho người đứng đầu khoảng 20 ngân hàng đang chờ lời giải.
Tổng giám đốc một ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) cho biết: Thực trạng hiện nay còn một số ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn khi đưa tỉ trọng cho vay phi sản xuất xuống nhưng họ đều có lý do rõ ràng. Cụ thể, đa số các khoản tín dụng này đều ký kết cho vay từ trước và khách hàng đang trả nợ tốt nên việc yêu cầu trả nợ trước hạn là rất khó vì các bên phải tôn trọng thỏa thuận đã được ký kết. Ngoài ra, bản thân việc tăng trưởng tín dụng lĩnh vực sản xuất đặc biệt là tín dụng cho xuất khẩu và phát triển nông nghiệp nông thôn trong lúc lãi suất đầu ra cao như hiện nay là rất khó khăn, các ngân hàng muốn cho vay cũng không có khách hàng…
Trên thực tế, ngoài các ngân hàng thương mại quốc doanh và một vài ngân hàng TMCP lớn có được khách hàng là các tập đoàn kinh tế lớn, tổng công ty của Nhà nước thì những ngân hàng cỡ trung và nhỏ phải nhắm đến các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho vay phi sản xuất. Lĩnh vực cho vay phi sản xuất vẫn được nhìn nhận là lĩnh vực cho vay có hiệu quả, ít rủi ro nên nhiều ngân hàng thậm chí còn đưa vào chiến lược hoạt động kinh doanh của mình và dành đến 30-40% dư nợ cho đối tượng này. Đồng thời, ngân hàng còn xây dựng cả cơ chế chính sách, đào tạo nhân lực và đầu tư công nghệ để phát triển thị trường và quản trị rủi ro.
“Như vậy, với chính sách mới ban hành thì ngoài việc lãng phí về đầu tư tài chính, công sức, các ngân hàng còn cần phải có thời gian cho việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với quy định mới của NHNN”, đại diện Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu cho biết. Nhưng, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình Fullbright Việt Nam cho rằng: Quy định các ngân hàng đều không được vượt mức 22% tỉ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất tại thời điểm 30-6-2011, không phải là giải pháp tốt nhất nhưng đó là giải pháp khả thi nhất. Ông lý giải, bản chất nền kinh tế Việt Nam không cần số lượng ngân hàng lớn nên tại thời điểm 30-6 những ngân hàng không thực hiện được đúng yêu cầu, khi đó, NHNN cần phải áp dụng các chế tài cụ thể để việc thực thi luật pháp được minh bạch, rõ ràng. Hoặc là những ngân hàng yếu tự vận động lớn mạnh hoặc phải chấp nhận sát nhập… nếu không hệ thống ngân hàng sẽ mãi èo uột và làm tổn hại cho cả nền kinh tế. “Đau nhưng đó vẫn là việc phải làm”, ông Du nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có những ứng xử riêng với từng ngân hàng cụ thể đang có tỉ trọng cho vay phi sản xuất rất cao hay cao vừa phải. Bởi với những ngân hàng tỉ trọng này đang trên 40% ở thời điểm hiện tại mà đến 30-6 phải đưa về 22% là không thể, bởi chỉ các khoản vay chứng khoán là ngắn hạn còn lại chủ yếu (bất động sản và tiêu dùng) là trung, dài hạn. Bên cạnh đó, ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bảo Việt nêu quan điểm: NHNN cũng cần kiểm soát cả những ngân hàng có tỉ trọng dưới 22%, bởi 1% của những ngân hàng có quy mô lớn bằng 10-15% của những ngân hàng trung bình và nhỏ. “Như vậy, nếu một ngân hàng nhỏ giảm 10% mà một ngân hàng lớn lại tăng 1% thì tổng thể của cả hệ thống ngân hàng không giảm”, ông Vũ nhấn mạnh.
Đặc biệt, có một vấn đề mà nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cũng như các ngân hàng đều chung một quan điểm, đó là mức độ phân loại thế nào là phi sản xuất chưa chính xác bởi ngay trong bất động sản và tiêu dùng cũng có rất nhiều loại khác nhau. Do vậy, việc phân loại thật rõ ràng mới có thể áp được chế tài đối với các ngân hàng không thực hiện kịp quy định của NHNN. “Khi đó, các ngân hàng mới tâm phục, khẩu phục”, một chuyên gia ngân hàng khẳng định.
Tuy vậy, các ngân hàng đều nỗ lực bằng mọi cách để thực hiện chính sách của NHNN. Bà Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc OceanBank cho biết: Trong năm 2011, OceanBank không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên hàng đầu mà tập trung vào nâng cao chất lượng tín dụng và điều chỉnh cơ cấu tín dụng. Dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất đến thời điểm này chiếm khoảng 23% trong tổng dư nợ và đảm bảo đạt mức dưới 22% vào thời điểm 30-6. Ngay khi Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN ban hành, OceanBank đã xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết để đảm bảo việc giảm tỉ trọng dư nợ phi sản xuất xuống 22% vào 30-6 và 16% vào 31-12-2011. Định hướng của ngân hàng này là liên kết với các tổng công ty, doanh nghiệp lớn có tài chính lành mạnh để cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng trọn gói, không chỉ có quan hệ tín dụng mà còn hướng tới mục tiêu tăng thu từ dịch vụ. Gần đây, OceanBank đã ký kết các thỏa thuận hợp tác toàn diện và cấp tín dụng cho các tổng công ty lớn như: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam…
An Phú