Iran cảnh báo tên lửa tầm ngắn cũng dễ dàng bắn hạ tàu Mỹ
Phó Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố ngay cả tên lửa tầm ngắn của Tehran cũng có thể tấn công các tàu chiến của Mỹ tại vùng Vịnh trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng leo thang.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln (Ảnh: Sputnik) |
“Thậm chí ngay cả các tên lửa tầm ngắn của chúng tôi cũng có thể dễ dàng bắn các tàu chiến Mỹ tại vùng Vịnh”, hãng tin Fars News dẫn lời Phó Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) phụ trách các vấn đề quốc hội Mohammad Saleh Jokar tuyên bố hôm nay 17/5.
Ông Jokar cũng nói thêm rằng Mỹ không đủ khả năng duy trì một cuộc xung đột với Iran vì lý do tài chính, nhân lực và áp lực xã hội.
Tuyên bố trên đánh dấu một nấc thang mới trong cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Iran giữa lúc Washington áp đặt các lệnh trừng phạt mới, gây sức ép chính trị với Tehran và tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực.
“Iran không theo đuổi một cuộc xung đột trong khu vực, nhưng sẽ luôn bảo vệ các lợi ích của mình một cách mạnh mẽ và sẽ tiếp tục làm như vậy ngay từ bây giờ”, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố hôm nay.
Các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ gồm USS Gonzalez và USS McFaul gần đây đã gia nhập Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln ở ngoài khơi bờ biển Oman trong trạng thái sẵn sàng tác chiến.
Theo RT, các tàu sân bay của Mỹ luôn được triển khai theo nhóm, do vậy hạm đội gồm các tàu nhỏ hơn của Iran khó có thể tới gần tàu sân bay Mỹ mà không bị các tàu của Mỹ phá hủy.
Liên quan tới kho vũ khí của Iran, trong những năm gần đây, Iran đã phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij Fars, sử dụng công nghệ hồng ngoại dẫn đường để phóng đầu đạn vào các mục tiêu đang di chuyển trên biển.
Ngoài ra, Iran cũng công bố phiên bản Mach 4 của tên lửa Khalij Fars, Hormuz-1 và Hormuz-2 có khả năng phát hiện hệ thống radar của đối phương và phá hủy chúng.
Vịnh Persian khá hẹp đối với một nhóm tác chiến tàu sân bay. Điều này có thể cho phép Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran có cơ hội tập hợp dàn tên lửa để phóng tới hạm đội gồm các tàu của Mỹ.
Căng thẳng leo thang
Theo James Jatras, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ và là cố vấn chính sách của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, hệ quả của bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào giữa Mỹ và Iran “cũng không thể tính toán được”.
“Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Giả sử Iran tấn công Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hay các mỏ dầu của Ả rập Xê út hay tấn công Israel, các bên đó sẽ phản ứng như thế nào”, ông Jatras nói, đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc xung đột sẽ nhanh chóng leo thang và lôi kéo các đồng minh của Mỹ trong khu vực như UAE, Ả rập Xê út và Israel.
“Đặc biệt là Israel, nước mà tất cả chúng ta đều biết sở hữu vũ khí hạt nhân, mặc dù tôi nghi ngờ khả năng họ sử dụng loại vũ khí này trừ khi họ thực sự cảm thấy bị đe dọa tới sự sống còn”, ông Jatras cho biết.
Cựu nhân viên ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo rằng Nga và Trung Quốc “sẽ thật ngớ ngẩn nếu chỉ ngồi một chỗ nhìn Mỹ lấy một quân cờ khác khỏi bàn cờ”, mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo Moscow không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Washington và Iran.
Rasoul Sanai-rad, phó tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran, đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ vừa kêu gọi đàm phán vừa tập hợp lực lượng gây sức ép với Iran.
“Những hành động của các nhà lãnh đạo Mỹ trong việc gia tăng sức ép và tiến hành trừng phạt, trong khi vẫn nói đến chuyện đàm phán, giống như kiểu chĩa súng vào một ai đó nhưng vẫn đòi hỏi tình hữu nghị và đàm phán”, quan chức quân đội Iran nhấn mạnh.
Tổng thống Donald Trump gần đây vẫn khẳng định rằng Mỹ không muốn phát động chiến tranh với Iran. Tuy nhiên, phe diều hâu trong chính quyền Mỹ vẫn duy trì lập trường cứng rắn với Tehran.
Theo DT