Sống lại ký ức với “Kiêu hãnh Trường Sơn”
(PetroTimes) - Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (1959 - 2019), ngày 16/5, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn tổ chức triển lãm mang tên "Kiêu hãnh Trường Sơn".
Triển lãm "Kiêu hãnh Trường Sơn" nhằm tôn vinh những đóng góp, hi sinh trên tuyến đường Trường Sơn, đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chia sẻ với những nỗi đau phía sau cuộc chiến để thêm yêu hòa bình và gìn giữ nền độc lập dân tộc.
Trong chiến công vĩ đại của con đường mang tầm vóc lịch sử ấy không thể không nhắc đến hơn hai vạn nữ chiến sĩ từ khắp các địa phương trong cả nước tình nguyện trực tiếp đóng góp công sức chiến đấu với bao mồ hôi, nước mắt và xương máu, đánh đổi cả tuổi trẻ và bản thân mình. Họ là những nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, giao liên, quân y, văn công, lái xe, nhà văn, nhà báo, công binh…
Một góc triển lãm "Kiêu hãnh Trường Sơn" |
Thông qua những hình ảnh, tài liệu, hiện vật, qua lời kể cùng chân dung của 60 cựu nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong, cuộc sống và chiến đấu nơi tuyến lửa Trường Sơn được hiện lên đầy nữ tính nhưng không kém phần anh dũng, kiên cường. Triển lãm tái hiện một con đường thời gian về Trường Sơn với sự bền bỉ của ý chí, sức mạnh của trái tim, khát vọng của tuổi trẻ và cả cuộc sống đời thường hồn nhiên của những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa.
Mỗi hình ảnh, tư liệu là một thước phim tư liệu sinh động về những cô gái trên tuyến đường Trường Sơn, đã vượt lên tất cả, chiến thắng mưa bom, bão đạn, vượt qua khó khăn, gian khổ để làm nên những kỳ tích phi thường trên con đường huyền thoại.
Kỷ vật của những cô gái Trường Sơn tại triển lãm |
Với 3 chủ đề: “Dấu ấn một huyền thoại”, “Những bông hồng thép”, “Phía sau cuộc chiến”, triển lãm Kiêu hãnh Trường Sơn khắc họa lịch sử một con đường bằng chính sự can đảm, bền bỉ, khát vọng và cả những hồn nhiên đời thường của "những bông hồng thép" đã sống, chiến đấu và hi sinh cho con đường huyết mạch - con đường quyết thắng này.
“Dấu ấn một huyền thoại” trưng bày giới thiệu khái quát về con đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong vòng 16 năm hoạt động, đường Trường Sơn đã thiết lập nên một mạng lưới giao thông đường bộ gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang nối Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 20.000km, chi viện hàng triệu lượt sức người, sức của vào chiến trường miền Nam, trong đó 18.000 nữ giới đã tham gia vào hầu khắp các lực lượng trên tuyến đường này.
“Những bông hồng thép” là hình ảnh, tài liệu của phần này nhằm giới thiệu tới công chúng cuộc sống của người con gái trên đường Trường Sơn qua lời kể của 60 nhân chứng. Đối diện với đạn bom, với cái chết, các chị không sợ nhưng lại có những nỗi sợ rất giản đơn: sợ vắt, sợ ma, sợ xấu, sợ rụng tóc... Các chị đã động viên nhau vượt qua tất cả để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Và có những cái tên đã trở thành bất tử như: Chị La Thị Tám, 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc; Đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh...
Với chủ đề: “Phía sau cuộc chiến” là câu chuyện của những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa khi về với đời thường. Đối diện với nhiều khó khăn của cuộc sống, họ lại chung tay san sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua bằng những hành động thiết thực, như: Xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, thăm hỏi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống...
Các cựu nữ thanh niên xung phong xem lại những hình ảnh xưa |
Cô Trần Thị Thanh Kiêm (quê Thái Bình) rưng rưng khi bắt gặp ảnh của mình cùng đồng đội đi vác ống dẫn dầu được trưng bày tại triển lãm |
Cô Trần Thị Thanh Kiêm phấn khởi khi gặp các đồng đội, rưng rưng khi ảnh về thời khói lửa Trường Sơn của mình được trưng bày tại triển lãm. Cô Kiêm cho biết, cô và đồng đội đã trải qua những xúc cảm cùng cực nhiều hơn một đời người có thể có: yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường. Giờ chiến tranh đã lùi xa, cô và các đồng đội thường xuyên có những nghĩa cử cao đẹp, tri ân tới các đồng đội đã ngã xuống, các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn
Triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn" sẽ được tổ chức đến hết ngày 15/7, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Hội CCB Tập đoàn thăm và tặng quà Bộ đội Trường Sơn tỉnh Quảng Trị |
Thăm và tặng quà các gia đình chính sách Bộ đội Trường Sơn tỉnh Thái Bình |
Tái hiện lịch sử chói lọi “Huyền thoại một con đường” |
Phú Văn