Tin nóng thế giới hôm nay - 13/5
(PetroTimes) - Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Rủi ro mới khi không có tiếng nói chung. Nga kêu gọi Mỹ nỗ lực thực chất để vượt qua bất đồng giữa hai nước. EU cam kết ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.
Cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung vào vòng xoáy rủi ro mới. (Ảnh minh họa) |
1. Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Rủi ro mới khi không có tiếng nói chung
Vòng đàm phán thương mại thứ 11, Mỹ và Trung Quốc đã không tìm được tiếng nói chung để tiến tới một thỏa thuận. Mỹ chỉ trích Trung Quốc đi ngược lại những cam kết và tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 10/5. Chưa đầy 24 giờ sau Tổng thống Trump đã ra lệnh áp một đợt thuế mới đối với toàn bộ hàng hóa còn lại có giá trị khoảng 300 tỷ USD.
Theo giới phân tích, chính sách tăng thuế của ông Trump là “con dao hai lưỡi”. Trung Quốc biết rõ nông nghiệp của Mỹ, ngành có ảnh hưởng với Quốc hội cũng như đã ủng hộ cho ông Trump bước vào Nhà Trắng, sẽ là ngành thua thiệt nhất khi nước này trả đũa bằng thuế quan. Ngoài ra là tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp hay người tiêu dùng Mỹ - những người phải trực tiếp gánh những chi phí phát sinh từ việc tăng thuế.
Trung Quốc sẽ phải chịu thiệt hại lớn hơn bởi nền kinh tế nước này dựa nhiều vào xuất khẩu hơn. GDP của Trung Quốc có thể giảm 1,6 điểm phần trăm trong năm nay. Phó Thủ tướng Lưu Hạc khẳng định các cuộc đàm phán mới sẽ tiếp tục nối lại tại Bắc Kinh, đồng thời cho biết có nhiều vấn đề về nguyên tắc mà Trung Quốc sẽ không lùi bước.
2. Nga kêu gọi Mỹ nỗ lực thực chất để vượt qua bất đồng giữa hai nước
Ngày 13/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh Moskva và Washington vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề và hai bên cần nỗ lực thực chất để vượt qua những bất đồng lớn này.
Bình luận này được đưa ra trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới thành phố nghỉ dưỡng Sochi của Nga vào ngày 14/5. Theo ông Ryabkov, việc hoạch định các bước đi cụ thể nhằm mục tiêu nối lại cuộc đối thoại có ý nghĩa về vấn đề kiểm soát vũ khí có thể là kết quả quan trọng của chuyến thăm tới Nga lần này của Ngoại trưởng Pompeo.
Ông Ryabkov cho biết thêm cuộc gặp thượng đỉnh có thể có giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng Sáu tới có thể được đem ra thảo luận trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ và các nhà lãnh đạo Nga trong ngày 14/5.
3. EU cam kết ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngày 13/5, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tuyên bố, EU hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran và mong muốn các cường quốc tránh làm leo thang thêm vấn đề này.
Theo thỏa thuận hạt nhân, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực.
Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran. Các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận. EU đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại, qua đó bảo vệ lợi ích của nước CH Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động.
4. Saudi Arabia xác nhận 2 tàu chở dầu bị tấn công ngoài khơi UAE
Ngày 13/5, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết 2 tàu chở dầu của quốc gia này đã bị "tấn công phá hoại" ở ngoài khơi thành phố cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khi đang trên đường vận chuyển dầu thô tới Mỹ. Vụ tấn công không gây thương vong hay rò rỉ dầu nhưng làm hư hại nghiêm trọng cấu trúc của tàu.
Sáng sớm 13/5, Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo về "các hành động phá hoại" nhằm vào các tàu biển ở ngoài khơi bờ biển UAE trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran. Trong cảnh báo, Cơ quan Hàng hải Mỹ nhấn mạnh các vụ tấn công phá hoại đã được xác nhận và các tàu phải cảnh giác khi đi qua Fujairah.
Cảng Fujairah của UAE nằm cách Eo Hormuz khoảng 140 km về phía Nam. Eo biển này có vị trí chiến lược, án ngữ các tuyến vận tải biển ở Vịnh Pécxích với khoảng 1/3 lượng dầu mỏ xuất khẩu vận chuyển đường biển đi qua. Khu vực này đã trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng.
5. Nigeria giải cứu 54 con tin bị Boko Haram bắt cóc
Ngày 13/5, Quân đội Nigeria xác nhận đã giải cứu 54 người bị phiến quân Boko Haram bắt giữ làm con tin tại 2 ngôi làng Ma'allasuwa và Yaa-Munye bang Borno, Đông Bắc nước này. Các phần tử khủng bố đã tháo chạy sau các cuộc tấn công của quân đội và bỏ lại các nạn nhân bị chúng bắt làm con tin, gồm 29 phụ nữ và 25 trẻ em. Cũng trong chiến dịch này, quân đội Nigeria đã phá hủy hai xe và một khu lều tạm của Boko Haram.
Khu vực Đông Bắc Nigeria được coi là "sào huyệt" của phiến quân Boko Haram. Thời gian qua, Chính phủ Nigeria đã tiến hành nhiều chiến dịch quân sự truy quét các phần tử khủng bố tại đây. Quân đội đã giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực, giải cứu nhiều con tin và tiêu diệt nhiều tay súng.
Phiến quân Boko Haram bắt đầu nổi dậy từ năm 2009 với âm mưu thiết lập “một nhà nước Hồi giáo”. Bạo lực liên quan đến Boko Haram khiến khoảng 27.000 người thiệt mạng và 1,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Boko Haram còn bắt cóc ép gia nhập hàng ngũ hàng nghìn phụ nữ và bé gái cũng như nam giới, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng trong khu vực.
Hải Bình (t/h)