Vì sao hàng tấn ma túy tuồn vào Việt Nam?
(PetroTimes) - Thời gian qua, hàng loạt chuyên án ma túy lớn được lực lượng Công an Việt Nam triệt phá, bắt giữ và tiêu hủy hàng tấn ma túy các loại. Phải chăng Việt Nam đang trở thành “điểm nóng” của những đường dây ma túy quốc tế?
Hơn một năm qua, tội phạm ma túy ngày càng tăng, đặc biệt trên các tuyến biên giới đường bộ giáp với các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia, ma túy ồ ạt tràn vào tiêu thụ ở Việt Nam hoặc chuyển đi nước thứ ba.
Theo phân tích của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), nguyên nhân chính là do áp lực của tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực, nhất là ở khu vực Tam giác vàng và trên các tuyến biên giới đường bộ giáp với các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia. Bởi đây là các cửa ngõ chính, các loại ma túy khi tràn vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục từ Việt Nam vận chuyển ma túy đi các nước thứ ba. Ngoài ra, tội phạm ma túy không chỉ hoạt động ở đường bộ mà còn hoạt động phức tạp trên đường biển và đường hàng không.
Tang vật hơn 500 kg ma túy tổng hợp trong chuyên án M918 và 719ĐL. |
Theo Đại tá Lê Thanh Liêm, nguyên Phó cục trưởng C04 - Bộ Công an, tình trạng tội phạm ma túy có tổ chức, liên quan đến nước ngoài nhiều, không chỉ dừng lại ở các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia mà các đối tượng người châu Âu, châu Mỹ, châu Phi cũng vào nước ta với danh nghĩa thăm người thân, đi du lịch, đầu tư kinh doanh để ra vào Việt Nam nhưng thực tế mục đích chính là mua bán, vận chuyển ma túy. Chúng còn triệt để lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất hàng hóa để trung chuyển ma túy và các loại tiền chất qua Việt Nam rồi mới đi nước thứ ba tiêu thụ.
Một câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại sao ma túy mỗi lần giao dịch có đến hàng trăm kg như vậy? Lý giải điều này, Đại tá Liêm phân tích thêm, tội phạm ma túy trong và ngoài nước có sự câu kết chặt chẽ với nhau. Dù có đang bị truy nã thì vẫn trốn ra nước ngoài, hình thành đường dây buôn ma túy quốc tế “rót” lượng ma túy khủng khiếp vào Việt Nam. Hầu hết các đối tượng cầm đầu đường dây ma túy đều có lệnh truy nã, nhiều tiền án, tiền sự về ma túy. Chúng không lộ diện bao giờ mà thuê người dân tộc thiểu số, con nghiện, trẻ em, người nhiễm HIV để giao dịch ma túy. Nếu các đối tượng bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thì luôn chống trả liều lĩnh bằng “vũ khí nóng”.
Đặc biệt, những năm gần đây, tội phạm ma túy có xu hướng móc nối với tội phạm hình sự và kinh tế khiến tình hình phòng chống tội phạm ma túy ngày càng phức tạp hơn. Tội phạm ma túy tạo dựng bình phong là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cũng nhập nhiều thiết bị máy móc công nghiệp, xây dựng nhà xưởng... Bởi vậy, chính quyền địa phương cũng như lực lượng công an quản lý địa bàn chỉ cần lơi lỏng cảnh giác là có thể bị "qua mặt" trong thời gian dài.
Đáng lưu ý là lượng heroin từ Lào tuồn vào Việt Nam để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ cực lớn. Đây cũng là một điểm lạ bởi trước đây ma túy tổng hợp tràn từ Trung Quốc vào Việt Nam thì bây giờ quy luật hoạt động đã xoay ngược lại từ Việt Nam tràn sang Trung Quốc. Nguyên nhân bởi công nghệ sản xuất ma túy tổng hợp ngày càng được đơn giản hóa, lợi nhuận lớn. Trước đây buôn heroin thì phải trồng cây thuốc phiện, sau đó mới bào chế ra được. Còn ma túy đá thì bằng khoa học công nghệ, chiết xuất từ các tiền chất hóa học, giá rẻ.
Mặt khác, tội phạm ma túy gốc Trung Quốc chuyển hướng sang khu vực Tam giác vàng để sản xuất ma túy tổng hợp nên số lượng ma túy ở khu vực này rất nhiều, giá thành lại rẻ. Bởi vậy dưới góc độ quan hệ cung cầu tất yếu sẽ dẫn đến buôn bán, vận chuyển từ nơi rẻ đến nơi có giá cao hơn.
Một số nhà phân tích cũng cho rằng chiến dịch truy quét ma túy của Tổng thống Philippines Duterte cũng góp phần không nhỏ trong sự chuyển dịch luồng ma túy từ Tam giác vàng đi qua các nước thứ 3. Nếu trước đây, Philippines cũng là một trong những trạm trung chuyển ma túy lớn và luôn nóng bỏng thì với chiến dịch bàn tay sắt với tội phạm ma túy của Tổng thống Duterte thực hiện hơn 3 năm qua, tội phạm ma túy quốc tế đã nhanh chóng chuyển hướng qua các nước Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam.
Tội phạm ma túy trong nước cũng có xu hướng “dịch chuyển” hướng về phía các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là TP HCM. Khi lực lượng phòng, chống ma tuý đẩy mạnh trấn áp ở tuyến Tây Bắc thì các đối tượng chuyển dần địa bàn hoạt động vào khu vực miền Trung, Tây Nguyên và TP HCM. Bởi vậy, càng là chuyên án ma túy về sau, tang vật trong mỗi vụ bị bắt giữ càng lớn. Theo thống kê của Bộ Công an thì lượng ma tuý vào Việt Nam có 20% tiêu thụ ở nội địa, còn lại chuyển đi các nước khác.
Ngày hôm qua, C04 và Hải quan TP HCM đã cung cấp thông tin về chuyên án M918 và 719ĐL. Chuyên án này có đầy đủ các đặc trưng của tội phạm ma túy đang tìm mọi cách xâm nhập vào Việt Nam. Với lượng ma túy tổng hợp hơn 5 tạ, thiết bị pha chế, đóng gói chuyên nghiệp của nhóm tội phạm gốc Trung Quốc.
Thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây này rất tinh vi, các đối tượng không biết nhau đã gây nhiều khó khăn cho quá trình phá án. Cách thức hoạt động của chúng cũng khá táo bạo như chúng đưa ma túy lên xe giao hàng, giả như xe giao hàng cho siêu thị, để ở đó và điều đối tượng khác tới đem đi.
Theo Thiếu tướng Phạm Văn Các - Cục trưởng C04, ma tuý được nhóm Yang mang từ Tam giác vàng (Myanmar) về Việt Nam và được nguỵ trang ở dạng sệt như bột, để trong túi nilon rồi bỏ vào thau chậu cho giống hàng hoá giao cho siêu thị, cửa hàng.
Sau khi Yang và đồng phạm lên kế hoạch vận chuyển ma tuý về Sài Gòn, từng công đoạn sẽ thuê người đến nhận, đem giao. Những người này hoàn toàn không biết nhau và không biết hàng vận chuyển là chất cấm. Thậm chí bọn chúng liên lạc với nhau bằng điện thoại vệ tinh để tránh bị theo dõi.
Thiếu tướng Các cho biết, đơn vị đã phát hiện đường dây ma tuý này từ tháng 8/2018 và bắt đầu theo dõi, thu thập chứng cứ đến tháng 5/2019 thì triệt phá.
Có thể thấy rằng, cuộc chiến chống tội phạm ma túy đang tìm mọi cách đổ vào nước ta là cực kỳ phức tạp và quyết liệt. Bộ Công an và lực lượng chức năng liên quan đã và đang triển khai mạnh hàng loạt chuyên án lớn để “Việt Nam chúng ta không thể là địa bàn trung chuyển ma tuý của tội phạm quốc tế”.
Tùng Phong