Thương mại điện tử - “Cơ hội vàng” cho bán lẻ và xuất khẩu
(PetroTimes) - Vài năm trở lại đây, thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ mạnh mẽ, trở thành một kênh tiêu thụ hàng hóa hiệu quả cao. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội từ TMĐT để mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời làm mới, nâng cấp, phát triển kênh bán lẻ truyền thống, đặc biệt là các cửa hàng tạp hóa.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): Đào tạo về xuất khẩu hàng hóa trực tuyến
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu là một trong những mục tiêu trọng tâm của Cục Xúc tiến thương mại. Chúng tôi tích cực hợp tác với các trang TMĐT nhằm mở ra nhiều cơ hội kinh doanh để hàng hóa của doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường quốc tế.
Đơn cử, chúng tôi đang tích cực hợp tác với Amazon Global Selling để mở ra nhiều tiềm năng phát triển cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Với những đặc trưng riêng của các doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam, kết hợp với hệ thống phân phối toàn cầu của Amazon, chúng tôi tin tưởng chương trình phối hợp sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường nước ngoài.
Bắt đầu từ tháng 4/2019, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp tổ chức chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí trên quy mô toàn quốc cho khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam mỗi đợt. Doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo về xuất khẩu hàng hóa trực tuyến sẽ được trang bị những kiến thức và thông tin bổ ích về việc bán hàng trên thị trường quốc tế, bao gồm những hướng dẫn từng bước bán hàng qua TMĐT, lựa chọn và lên danh sách sản phẩm, marketing, hoàn thiện đơn hàng, quy trình logistics, kỹ năng quản lý...
Ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): TMĐT dần khẳng định vị thế
Thị trường bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn với 97 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng. Thời gian qua thị trường bán lẻ Việt Nam liên tục phát triển nhanh và luôn tăng trưởng ở hai chữ số. Năm 2018, doanh thu bán lẻ ở mức 143 tỉ USD, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 160 tỉ USD, tạo sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã quyết định đổ vốn đầu tư.
Mặc dù hiện nay bán lẻ truyền thống vẫn đang áp đảo về số lượng với lợi thế sân nhà, nhưng sức mạnh tài chính, quy mô của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang tạo ra thách thức lớn cho các nhà bán lẻ trong nước, đặc biệt là các cửa hàng tạp hóa, đại lý.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, ngoài phương thức bán lẻ truyền thống, hiện đại thì TMĐT dần khẳng định vị thế riêng với doanh thu bán hàng tăng trưởng cao. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp tận dụng sự phát triển chóng mặt của TMĐT để xuất khẩu hàng hóa hoặc phát triển kênh bán lẻ truyền thống.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam: Bán “hàng xén” cũng phải “lên đời”
Xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ là một ví dụ cho sự chuyển đổi tư duy và phương thức kinh doanh trên thị trường. Khi mới xuất hiện các ứng dụng gọi xe như Grab, Uber, nhiều người không khỏi hoài nghi, bởi thói quen của người Việt là thích ra đường vẫy tay đón xe. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, những người chạy xe ôm truyền thống phải than trời vì mất khách, ế ẩm, buộc phải đổi nghề hoặc chuyển qua làm tài xế xe ôm công nghệ. Tương tự xe ôm truyền thống, bán lẻ truyền thống cũng phải thay đổi phương thức kinh doanh bằng cách tiếp nhận sự hỗ trợ của TMĐT. Chúng ta phải công nhận TMĐT là kênh bán hàng hiện đại, xu hướng tất yếu của thời đại.
Tôi nhận thấy, bán lẻ truyền thống Việt Nam đầy tiềm năng phát triển nhưng chưa thể bứt phá. Sắp tới đây, bán “hàng xén” cũng phải “lên đời” thông qua sự hỗ trợ của TMĐT, để giảm chi phí, hiệu quả kinh doanh sẽ tốt hơn. Nếu sợ nhập cuộc, ngại nhập cuộc với TMĐT, cửa hàng tạp hóa truyền thống sẽ mất khách. 10 năm trước, tôi không chắc chắn với việc kết nối các điểm bán hàng, cửa hàng tạp hóa với TMĐT vì không thể đáp ứng được nhiều yêu cầu như giao nhận hàng, thanh toán... Giờ đây, họ đang kết nối với nhau rất nhanh. Đây là thời điểm tốt có nhiều nền tảng công nghệ hỗ trợ để nâng cấp mô hình bán lẻ truyền thống.
Theo Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam, hiện có 32% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Việc gia nhập những nền tảng TMĐT sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu. |
TMĐT phát triển mạnh những năm gần đây, tuy nhiên, chỉ tập trung ở những thành phố lớn. Riêng Hà Nội và TP HCM đã chiếm tới 70% giao dịch TMĐT. Do đó, ngoài việc hỗ trợ bán lẻ truyền thống nhập cuộc với TMĐT, nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh, hiệp hội sẽ đẩy mạnh TMĐT ở các tỉnh, thành phố khác, để giao dịch TMĐT ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội và TP HCM chiếm tới 50% tổng lượng giao dịch.
Hiệp hội TMĐT Việt Nam đang có kế hoạch đưa các sản phẩm đặc sản của các vùng miền lên bán hàng trực tuyến. Theo kế hoạch, sẽ đưa sản phẩm dừa Bến Tre, thổ cẩm Hà Giang, sen Đồng Tháp, tre, luồng Thanh Hóa và Nghệ An… lên các trang TMĐT.
TMĐT là xu thể kinh doanh tất yếu trong tương lai |
TMĐT phát triển mạnh mẽ sẽ không tránh khỏi tình trạng “đụng hàng”. Vì vậy, sự đa dạng sản phẩm đặc trưng của các vùng miền rất cần thiết, cá nhân doanh nghiệp, địa phương cần tích cực tham gia.
Ông Vincent Lữ Thế Hùng - Giám đốc chiến lược Công ty CP Thương mại và Đầu tư BB Việt Nam: Tạo thuận lợi cho nhà bán lẻ truyền thống
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2018 là 143 tỉ USD. Trong đó, kênh bán lẻ truyền thống chiếm 75%, tương ứng 107 tỉ USD. Có thể thấy, tiềm năng bán lẻ truyền thống không hề nhỏ với 9.000 chợ truyền thống, 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Từ đó cho thấy, kênh bán lẻ truyền thống thật sự là một kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ cực kỳ lớn và tiềm năng.
Thị trường tiềm năng lớn như vậy nhưng việc tiếp cận, đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt vào kênh bán lẻ truyền thống chưa hiệu quả. Nguyên nhân là hệ thống phân phối tự mở ở dạng cục bộ, chi phí cao, các chương trình tiếp thị, quảng cáo chưa đồng bộ với hệ thống phân phối, lãng phí kho bãi, giao nhận, khả năng mở rộng khó. Vì vậy, các chủ cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.
Theo thống kê của tổ chức We are Social, Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng internet rất cao. Ước tính đến tháng 1-2018, Việt Nam có 64 triệu người sử dụng Internet. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, với sự bùng nổ TMĐT, trong 5 năm tới, doanh nghiệp nào không ứng dụng công nghệ thông tin tốt, không nhập cuộc TMĐT sẽ có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi. |
Những bài toán khó với những người kinh doanh tạp hóa truyền thống hiện nay là: Hỗ trợ quản lý bán hàng đồng thời offline và online; quản lý tồn kho đa kênh; hoàn tất đơn hàng nhanh chóng; dễ dàng quản lý trên nền tảng di động.
Nhằm tạo thuận lợi cho nhà phân phối và nhà bán lẻ truyền thống, chúng tôi đã xây dựng một nền tảng phân phối hàng hóa và dịch vụ đa nhiệm thông qua kênh chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa với hệ thống bao gồm: Kho bãi, đội ngũ chuyên viên kinh doanh, đội ngũ giao hàng, các nền tảng công nghệ mới… Các nền tảng công nghệ vận hành quản trị mới sẽ giúp đưa hàng hóa đến các điểm bán, hỗ trợ điểm bán trở thành kênh bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Theo kế hoạch, bằng các giải pháp công nghệ cao trong quản trị và vận hành, doanh nghiệp có thể phân phối hàng hóa đến toàn thị trường trong vòng 1-2 tuần, hoàn toàn kiểm soát được lượng hàng tồn, lưu lượng phân bổ, doanh thu dự kiến...
Bà Lê Thị Thiện Ngân - đại diện Công ty Paper Color (doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon): TMĐT giúp tiếp cận khách hàng toàn cầu
Ban đầu Công ty Paper Color chỉ xuất khẩu sang 2 thị trường ngoại. Tuy nhiên, nhờ tận dụng bán hàng qua kênh TMĐT, đến nay, công ty đã xuất khẩu đến hơn 30 thị trường trên khắp thế giới. Nhằm tận dụng tốt cơ hội, công ty tiếp tục lên kế hoạch phát triển, mở rộng thị trường.
Bán hàng toàn cầu giúp doanh nghiệp tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ trên toàn thế giới, tiết kiệm được chi phí bán hàng và tiếp thị, học hỏi cách thức vận hành doanh nghiệp chuyên nghiệp thông qua những phản hồi từ khách hàng. Khi lượng người mua hàng qua mạng Internet ngày càng nhiều, chắc chắn cơ hội bán hàng và doanh số sẽ gia tăng.
Ngoài ra, việc gia nhập những nền tảng TMĐT sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, từ đó có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến xúc tiến thương mại truyền thống, như: Tham gia hội chợ, triển lãm; lập văn phòng đại diện tại các thị trường mục tiêu...
Ông Phạm Đạt - Tổng giám đốc Fado: Đẩy mạnh TMĐT xuyên biên giới
TMĐT xuyên biên giới tạo thuận lợi cho cả người bán và người mua. Ở đó nhà sản xuất có thể phân phối hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng mà không cần qua trung gian.
Fado là công ty tiên phong trong xây dựng các nền tảng TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam. Chúng tôi muốn giúp việc giao thương với thế giới của doanh nghiệp Việt trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.
Chúng tôi đã và đang tư vấn giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong hoạt động xúc tiến thương mại, chào hàng trực tuyến. Bởi vì, muốn xuất khẩu thành công, ngoài năng lực sản xuất, doanh nghiệp Việt cần có khả năng xúc tiến thương mại, marketing, quảng cáo, chào hàng chuyên nghiệp trên các sàn giao dịch quốc tế.
Trong quá trình hoạt động, Fado đã xúc tiến bán hàng thành công nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực da giày, thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật... Ngoài nền tảng hỗ trợ nhập khẩu, Fado còn là đối tác ủy quyền của Alibaba.com để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu trực tuyến thông qua Alibaba.com. Sự hợp tác giữa Fado và Alibaba mang lại giá trị lớn cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Ông Bernard Tay - Giám đốc bán hàng toàn cầu của Amazon khu vực Đông Nam Á: Nhiều dịch vụ dành cho người bán hàng
Internet bùng nổ, lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ cùng sự phát triển mạnh mẽ của các ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng TMĐT ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất sản phẩm trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, một số hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm đã và đang cản bước đi của nhiều doanh nghiệp Việt khi muốn vươn ra thị trường thế giới.
Amazon Global Selling sẽ giới thiệu những dịch vụ dành cho người bán hàng khi tham gia các mô hình TMĐT toàn cầu, bao gồm những hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, cải tiến mẫu mã, hoàn tất thủ tục xuất khẩu... Sắp tới, 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt được tuyển chọn sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên trên cả nước đồng hành và phát triển cùng chúng tôi trong dài hạn.
Amazon có trang TMĐT tại 18 quốc gia. Ngoài ra, Amazon hiện có hơn 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên thế giới, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực.
Chương trình Amazon Global Selling hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn thế giới phát triển kinh doanh, dù họ ở bất kỳ đâu, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng toàn cầu và xây dựng các thương hiệu quốc tế.
Amazon Global Selling sẽ giới thiệu những dịch vụ dành cho người bán hàng khi tham gia các mô hình TMĐT toàn cầu, bao gồm những hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, cải tiến mẫu mã, hoàn tất thủ tục xuất khẩu... Sắp tới, 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt được tuyển chọn tham gia chương trình. |
Thanh Hồ