Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Vì sao lại cần thiết?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện triển khai thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) trong giai đoạn 20112013, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực mới mẻ nhưng không kém phần quan trọng này phát triển.
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là gì?
BHTDXK hay còn gọi là bảo hiểm thanh toán xuất khẩu, bắt nguồn từ châu Âu vào giữa thế kỉ XIX và đến năm 1919, cơ quan BHTDXK đầu tiên được thành lập ở nước Anh với mục đích bảo đảm hoạt động xuất khẩu tới các thị trường nước ngoài trước những rủi ro chính trị và rủi ro thương mại – vốn không được bảo hiểm bởi các tổ chức bảo hiểm thương mại.
Với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu, người bán không thể nắm bắt rõ thông tin về người mua ở quốc gia khác, từ đó có thể phát sinh rủi ro không thu hồi được tiền hay hàng hóa đã xuất khẩu. BHTDXK là loại hình bảo hiểm nhằm cung cấp bồi thường tài chính về các khoản nợ khó đòi theo các hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu phát sinh do các rủi ro thương mại hoặc rủi ro chính trị trong giao dịch thương mại quốc tế.
Tại Việt Nam, BHTDXK là một loại hình của bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính – thuộc nghiệp vụ kinh doanh của các DNBH phi nhân thọ (Luật KDBH). Theo Giấy phép thành lập và hoạt động do Bộ Tài chính cấp thì phần lớn các DNBH PNT đều được phép triển khai BHTDXK. Hiện có 3 DNBH bắt đầu triển khai BHTDXK, bao gồm: Tổng Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Tổng Công ty CP BH Bảo Minh và Công ty BH Việt Úc (QBE).
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, BHTDXK được coi là một phần không thể thiếu trong các hoạt động xuất nhập khẩu và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế trên cả hai góc độ DN và quốc gia. Về cơ bản, sứ mệnh của BHTDXK là thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của quốc gia ra nước ngoài thông qua việc cung cấp bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm và bảo lãnh đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ khác. Cụ thể:
Đối với các doanh nghiệp, BHTDXK thực hiện chức năng bảo vệ tài chính cho nhà xuất khẩu trong trường hợp nhà nhập khẩu mất khả năng thanh toán; tăng khả năng đi vay từ các tổ chức tín dụng để tăng lượng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; tăng khả năng tiếp cận đến thị trường quốc tế và chất lượng của hoạt động xuất khẩu nhờ việc nắm rõ hơn thông tin về nhà nhập khẩu, quốc gia nhập khẩu và thực hiện bảo lãnh các khoản đầu tư ra nước ngoài…
Đối với quốc gia xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ sự phát triển các hoạt động tín dụng xuất khẩu an toàn và có hiệu quả, giải quyết vấn đề thúc đẩy xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu ngoại hối cho nền kinh tế để cải thiện vị thế cán cân thanh toán quốc tế…
Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia mạnh về xuất khẩu các mặt hàng nông- lâm – thủy sản, dệt may…, đồng thời đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển hướng từ hợp đồng mua bán điều kiện FOB sang CIF với tính linh hoạt và tăng sự hấp dẫn của sản phẩm đối với người mua không chỉ thông qua giá cả của hàng hóa mà còn bao gồm các dịch vụ đi kèm: Điều kiện thanh toán linh hoạt, bảo hiểm hàng hóa, trách nhiệm với sản phẩm, do đó, lại càng cần tới hình thức bảo hiểm tín dụng.
Trong thời gian qua, hoạt động xuất khẩu đã đóng vai trò rất tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Xuất khẩu tăng trưởng bao nhiêu thì BHTDXK lại càng trở nên cần thiết và cấp bách để hoạt động xuất khẩu của chúng ta trở nên bền vững hơn.
Đức Hoàng