Đắp lá chữa ung thư vú, bệnh nhân bị lở loét một bên ngực
(PetroTimes) - Bệnh nhân 67 tuổi ở Quảng Ninh phát hiện ung thư vú 2 năm trước, không điều trị mà tự đắp thuốc ở nhà.
Sử dụng thuốc nội địa tăng gấp đôi so với 5 năm trước |
Bệnh viện K cắt khối u đại trực tràng bằng kỹ thuật mới |
Bác sĩ và "trí tuệ nhân tạo" tương đồng tới 80% trong phác đồ điều trị |
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết, khi phát hiện khối u, bà không đi bệnh viện mà chỉ đắp lá chữa trị theo truyền khẩu. Tuy nhiên, khối u không thuyên giảm mà phát triển ngày càng lớn hơn, đến mức lở loét, chảy mủ đục, mùi hôi và rất đau đớn, bà mới đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khám vào tháng 2.
Sau đó bệnh nhân trải qua một đợt điều trị bằng hóa chất tại bệnh viện. Nhưng khối u không đáp ứng điều trị mà diễn biến xấu đi. Bác sĩ Nguyễn Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Ung Bướu và Y học hạt nhân, cho biết với tình trạng của người bệnh thì phương pháp tối ưu là phẫu thuật cắt bỏ khối u và chuyển vạt da tự thân che phủ tổn thương.
Ngày 26/4, bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật tái tạo vú bằng vạt da cơ ngang bụng. Sau 2 tuần điều trị, sức khỏe người bệnh tiến triển tốt, vết mổ khô, phần vạt da cơ được nuôi dưỡng tốt.
Theo bác sĩ Nguyễn Vũ, có 2 phương pháp tạo hình vú. Thứ nhất là bồi đắp tự thân, tức là lấy những mô da, mô cơ trên cơ thể của chính người bệnh để bồi đắp, tạo hình. Phương pháp thứ hai là dùng các vật liệu tổng hợp để thay thế như túi độn...
Bồi đắp tự thân là phương pháp khó, phức tạp về kỹ thuật nhưng ít gây tổn thương cho người bệnh. Kết quả sau mổ tốt, đồng thời bỏ được phần da và mỡ thừa nên vòng bụng thon gọn hơn, tránh biến chứng khi dùng vật liệu tổng hợp.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trên 35 tuổi cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh. Khi mắc bệnh hoặc nghi ngờ, cần đến các bệnh viện có chuyên khoa về ung bướu điều trị, không dùng các mẹo dân gian khiến bệnh tiến triển nặng.
Nguyễn Hưng