Bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức" để tránh việc xử lý cán bộ kiểu... duy tình
Bộ Nội vụ cho rằng, việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức như đề xuất khi sửa Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức không làm bớt sự nghiêm túc của pháp luật.
Chiều ngày 9/5, tại buổi họp báo thường kỳ, đại diện Bộ Nội vụ nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức khi sửa Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Làm rõ vấn đề trên, Vụ phó Vụ Công chức, viên chức Nguyễn Tự Long cho biết, khi ban soạn thảo dự xin ý kiến bỏ hình thức xử lý kỷ luật giáng chức thì nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó cũng có ý kiến băn khoăn, liệu bỏ thì có làm bớt đi sự nghiêm túc của việc thực thi pháp luật không?
Theo ông Long, bỏ quy định giáng chức không có nghĩa là bớt đi sự nghiêm túc của luật. Bởi giáng chức chỉ áp dụng với công chức lãnh đạo quản lý và ngoài giáng còn có hình thích kỷ luật cách chức.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ nói về đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức |
Lãnh đạo Vụ Công chức, viên chức lý giải, việc xử lý kỷ luật hiện có 5 hình thức: Khiến trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Việc quyết định giáng chức hay cách chức có những lúc chỉ do... duy tình.
“Đáng lẽ phải xử lý mạnh bằng cách chức, nhưng vì bên cạnh hình thức kỷ luật này còn có hình thức giáng chức nên ở đâu đó có hiện tượng giảm nhẹ hình thức kỷ luật đi”, ông Long nói.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Vụ Công chức, viên chức, việc giáng chức có xung đột với yêu cầu về vị trí việc làm. Chẳng hạn, một cơ quan đang có 1 trưởng 3 phó, nếu cấp trưởng vi phạm kỷ luật, giáng chức xuống cấp phó, trong khi cơ quan đó đã có đủ 3 phó rồi, không thể bố trí được. Hay trường hợp giáng chức từ vụ phó xuống trưởng phòng, nghĩa là lại chuyển từ cấp phó sang cấp trưởng, không phù hợp.
Bên cạnh đó, đại diện cơ quan soạn thảo luật cũng lập luận, bỏ quy định giáng chức thì hệ thống quy định về xử lý kỷ luật hành chính với công chức sẽ tương đương với 4 hình thức kỷ luật bên Đảng.
Ông Long cho hay việc, quan điểm của Bộ Nội vụ và Chính phủ cùng thống nhất là bỏ quy định về hình thức giáng chức. Do đó, nếu người vi phạm bị kỷ luật không phải hình thức khiển trách, cảnh cáo thì sẽ xử lý nghiêm khắc hẳn, là cách chức.
Theo Dân trí
Hà Nội xử lý hàng loạt cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư cấp thoát nước |
Cán bộ giải quyết tố cáo bị cách chức nếu không bảo vệ người tố cáo |
Gần 60% doanh nghiệp tố bị "cán bộ" Nhà nước nhũng nhiễu |