Chuyện chưa biết về Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Kỳ II)
(PetroTimes) - Hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra đã chỉ rõ không có khuất tất trong giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy. Quan trọng nhất là việc xác định được toàn bộ thiết bị, dây chuyền của NMXS Đình Vũ đều là “hàng xịn”.
Kỳ II: Đứng trước “cửa thiên đường”
Những cố gắng lớn
Còn nhớ, vào thời điểm tháng 9-2014, sau khi PVTEX đưa công suất nhà máy lên hơn 50%, các sản phẩm xơ sợi cũng được Viện Dệt may Việt Nam và các đối tác từ VINATEX sử dụng thử và có đánh giá chi tiết về chất lượng…, PVN cùng PVTEX đã tổ chức giới thiệu sản phẩm đến tất cả các doanh nghiệp dệt may trong nước.
Công nhân kỹ thuật NMXS Đình Vũ giám sát chất lượng xơ bằng xúc giác |
Tại buổi giới thiệu sản phẩm đó, Phó tổng giám đốc VINATEX Hoàng Vệ Dũng đã hồ hởi: NMXS Đình Vũ là nguồn sản xuất xơ sợi polyester đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển, tự chủ của ngành dệt may Việt Nam. Đưa nhà máy vào hoạt động ổn định, cho ra đời các sản phẩm xơ, sợi tổng hợp chất lượng cao là nỗ lực rất đáng biểu dương của PVN và cán bộ, công nhân viên PVTEX. Hiện nay, PVTEX đã hoàn thiện sản phẩm, tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam về thời gian giao hàng, giá thành sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật…
PVTEX đã “chọn mặt gửi vàng” liên danh giữa Tập đoàn An Phát Holdings với Tập đoàn Reliance (Ấn Độ) và Fortrec (Singapore). Việc hợp tác với các đối tác mạnh về tài chính, kỹ thuật, thương mại và quản trị là một động thái bảo đảm “sức khỏe tốt” cho NMXS Đình Vũ phục hồi sản xuất. |
Sau đó, đến tháng 5-2015, VINATEX ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm xơ sợi tổng hợp của PVTEX. Trong đó, VINATEX cam kết các doanh nghiệp thành viên sẽ sử dụng tối thiểu 50% lượng xơ sợi từ PVTEX trong năm 2015, tiến tới sử dụng 100% xơ sợi PVTEX. Đặc biệt, các dự án kéo sợi mới đầu tư sẽ chọn xơ Đình Vũ để sử dụng ngay từ đầu và không chạy thử nguồn xơ khác. Trong hơn 1 năm đó, PVTEX đã nỗ lực nâng cao công suất nhà máy, xây dựng hệ thống kinh doanh sản phẩm xơ sợi Việt Nam.
Nhưng thực tế giống như trong nhà có duy nhất “cô con gái rượu” thì cái gì cũng hay nhất, đến khi đưa đi chơi hội, có dịp so sánh thì thấy “thua sắc kém tài”. Người viết bài này đã từng nhiều lần tìm hiểu về chất lượng xơ sợi tổng hợp của PVTEX, so sánh với các sản phẩm khác, mới biết đây là một quy trình cực kỳ phức tạp. Anh Phạm Khắc Toàn, khi đó là Trưởng phòng Công nghệ của PVTEX, nay là Phó tổng giám đốc PVTEX, cho hay: “Biết khó nhưng chúng tôi không chịu bó tay. Sau nhiều nỗ lực tìm hiểu, thử nghiệm liên tục, chúng tôi đã phải “vời” đến cả các chuyên gia vận hành đặc biệt các nhà máy xơ sợi tổng hợp từ Đài Loan, học từ họ những bí quyết giữ ổn định chất lượng và tăng tính linh hoạt trong sản xuất. Cuối cùng anh em PVTEX đã nắm được những bí quyết đó, xây dựng được một bộ quy chuẩn vận hành cho nhà máy”.
Anh Toàn đề nghị các nhà báo theo chân nhóm hỗ trợ kỹ thuật của PVTEX đi khảo sát tại các nhà máy sợi dệt tại miền Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Bài, Hà Nội… Khi tham quan xưởng sản xuất sợi của nhà máy sợi dệt Vĩnh Phúc, đứng giữa hai dây chuyền kéo sợi, thật khó phân biệt bằng mắt thường giữa sản phẩm xơ tổng hợp của PVTEX và xơ tổng hợp nhập khẩu từ Indonesia. Giám đốc nhà máy Nguyễn Văn Tiến đã khẳng định với các nhà báo: Chất lượng xơ sợi tổng hợp của PVTEX không thua gì sản phẩm hàng đầu của khu vực.
Ông Nguyễn Văn Tiến cũng thẳng thắn: “Trước đây, chúng tôi muốn sản xuất một lô hàng thì phải tính toán, đặt trước cả tháng trời mới đủ nguyên liệu. Đặc biệt là nguồn xơ tổng hợp nhập khẩu thì phải mở cả LC, chuẩn bị kho bãi, thủ tục hải quan… Nhiêu khê hơn nữa là mỗi lần chuyển đổi nguyên liệu thì phải căn chỉnh lại toàn bộ dây chuyền se sợi của nhà máy… Nên từ khi có sản phẩm của PVTEX thì dù có giá đắt hơn một chút chúng tôi vẫn vui vẻ dùng vì tiết kiệm thời gian giao hàng và giảm chi phí…”.
NMXS Đình Vũ được ví như đang đứng trước “cửa thiên đường”.
Trong “rủi có may”
Ngay từ trước thời điểm NMSX Đình Vũ chính thức tạm ngừng hoạt động hồi năm 2015, đã có hai luồng tư tưởng đấu tranh gay gắt. Trong đó, đa phần ý kiến cho rằng, nên bán tống bán tháo nhà máy để thu lại đồng nào hay đồng ấy. Số ít người tha thiết giữ lại nhà máy, vì hơn ai hết, họ hiểu được giá trị của nhà máy đối với chính cuộc sống của họ.
Công nhân phân xưởng Filament đang thao tác trên dây chuyền sản xuất sợi DTY |
Thực tế, những vụ việc tiêu cực có liên quan đến một số cá nhân trong quá trình xây dựng nhà máy, thiếu nguồn tài chính ổn định phục vụ sản xuất, thiếu cơ chế bảo vệ một doanh nghiệp non trẻ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…, đặc biệt chủ trương không rót thêm vốn Nhà nước vào “cứu” nhà máy khiến việc tìm đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh đi vào bế tắc.
Nhưng có lẽ trong cái rủi có cái may, sự vào cuộc quyết liệt của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ đã làm rõ những khuất tất tại dự án này chỉ gói gọn trong một dự án nhỏ: Dự án xây dựng khu nhà cán bộ, công nhân viên NMXS Đình Vũ.
Tiếp đến việc hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra đã chỉ rõ không có khuất tất trong giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy. Quan trọng nhất là việc xác định được toàn bộ thiết bị, dây chuyền của NMXS Đình Vũ đều là “hàng xịn” được sản xuất và nhập khẩu từ những tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết bị ngành xơ sợi tổng hợp của Đức và Thụy Sĩ.
Từ đó, sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm đối tác, cả trong nước và quốc tế để vận hành lại NMXS Đình Vũ. Có lẽ vận may đã không mãi quay lưng với những người có tâm, PVTEX đã “chọn mặt gửi vàng” liên danh giữa Tập đoàn An Phát Holdings với Tập đoàn Reliance (Ấn Độ) và Fortrec (Singapore). Việc hợp tác với các đối tác mạnh về tài chính, kỹ thuật, thương mại và quản trị là một động thái bảo đảm “sức khỏe tốt” cho NMXS Đình Vũ phục hồi sản xuất.
Còn nhớ, trong buổi gặp gỡ báo chí nhân dịp đầu xuân 2019 tại PVTEX, một lãnh đạo PVN đã phải thốt lên: “Ai cũng cho rằng con thuyền PVTEX chỉ còn một cái kết là chìm đắm tại bán đảo Đình Vũ”. Câu nói này đã thể hiện tâm tư của những người đã và đang nỗ lực từng ngày đưa NMXS Đình Vũ vận hành trở lại, để chứng minh rằng “con thuyền” PVTEX sẽ đủ sức vượt qua gió cả, sóng lớn.
(Xem tiếp kỳ sau)
Chuyện chưa biết về Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ |
Thành Công