Tín dụng ngoại tệ có phải là "tội đồ"
Tín dụng ngoại tệ có phải là “tội đồ” gây áp lực tăng tỉ giá khiến nhà điều hành tính chuyện “hãm phanh”?
Thông tin Ngân hàng Nhà nước đang tính chuyện “hãm phanh” tín dụng ngoại tệ có vào cuối tuần qua có thể khiến cả ngân hàng và doanh nghiệp băn khoăn.
Cung ảo và áp lực cầu đáo hạn?
Năm 2010, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ vọt lên tới 37,76%. Thực ra, do trước đó tăng trưởng loại này rất thấp, thậm chí có trạng thái âm trong nửa đầu năm 2009, nên con số tuyệt đối tăng lên chưa hẳn là quá lớn. Nhưng, diễn biến nửa đầu năm 2011 tiếp tục cho thấy sự bùng nổ thực sự; tính đến 10/6, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã lên tới 22,21% so với đầu năm.
Diễn biến trên khiến các dòng chảy thông tin những ngày gần đây dồn dập những lo ngại, dù không mới. Đó là việc doanh nghiệp đổ xô vay ngoại tệ, bán lại để lấy VND tranh thủ chênh lệch lãi suất lớn, tạo nên cung ảo và dồn áp lực cầu ngoại tệ khi các khoản vay đáo hạn vào cuối năm, gây bất lợi cho tỉ giá USD/VND…
Lo ngại này được dẫn chứng bằng thực tế leo thang của tỉ giá USD/VND trong những tháng cuối năm 2010, sau khi tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng đột biến.
Về dẫn chứng đó, hiện chưa có các dữ liệu tổng hợp, phân tích một cách chuyên biệt công bố để tạo cơ sở khẳng định hay phủ nhận. Còn tham khảo ý kiến của một số cán bộ tín dụng ngân hàng, khó để có một “cuộc hẹn lớn” đáo hạn tín dụng ngoại tệ vào cuối năm như vậy và dồn lại để cùng lúc tạo áp lực cầu lên tỉ giá.
Lý do, hoạt động giải ngân và trả nợ, hay tăng trưởng tín dụng, là trải khá đều trong năm, chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn gối đầu nhau; bản thân các doanh nghiệp cũng chủ động vay ngắn hạn để dự phòng các cú sốc tỉ giá.
Lo ngại về áp lực trên cũng cần xét đến ở quy trình chuyển đổi của các dòng vốn, từ tín dụng sang thương mại và ngược lại.
Vay ngoại tệ thời gian qua chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu, họ có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai. Vay ngoại tệ đổi ra VND đưa vào sản xuất kinh doanh lúc này, khi đáo hạn họ có nguồn ngoại tệ thu từ xuất khẩu về đã cân đối để trả nợ. Vòng quay này thời gian qua vẫn được gọi là một cách “tạm ứng tương lai”. Áp lực cầu ngoại tệ thương mại khi các hợp đồng đáo hạn ở đây là hạn chế, ngoại trừ hạn mức vay vượt quá nguồn thu – điều này được tổ chức tín dụng giám sát theo cơ chế quy định.
Ngay cả với nhu cầu vay ngoại tệ để đổi lấy VND đưa vào sản xuất kinh doanh không có nguồn thu ngoại tệ đối ứng trong tương lai, áp lực cầu khi đáo hạn cũng không hẳn quá lo ngại. Họ vay ngoại tệ, bán lại cho ngân hàng, khi cần ngoại tệ trả nợ, ngân hàng “trả lại” chính nguồn họ đã bán trước đó. Ở đây là sự cân đối khá cân bằng, ngoại trừ biến động của tỷ giá ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp.
Vòng quay quy đổi của các nhu cầu tín dụng nói trên sẽ phản ánh ở trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, mà sau đó là trạng thái dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này là người mua bán sau cùng của vòng quay (nhưng sẵn sàng can thiệp bất cứ lúc nào cần). Trạng thái ngoại tệ tăng – giảm theo vòng quay của sự quy đổi đó. Sự tăng – giảm là bình thường, thật khó để đòi hỏi dự trữ ngoại tệ luôn tăng khi nhập siêu triền miên, hay cán cân tổng thể luôn thâm hụt lớn.
Áp lực đáng lo ngại nhất trong rổ tín dụng vẫn là nhu cầu dùng để thanh toán hàng nhập khẩu mà không có nguồn thu ngoại tệ đối ứng. Đi cùng với đó là cầu ngoại tệ thương mại cho nhập khẩu, và phía sau đó là tình trạng nhập siêu. Thời gian qua năm nào cũng cần tới 12 – 18 tỉ USD để bù đắp, trong khi vẫn còn tình trạng nguồn ngoại tệ bị găm giữ trong dân cư và doanh nghiệp. Đây mới chính là những “tội đồ” của tỉ giá, hơn là “đổ cho” cả rổ tín dụng ngoại tệ.
Chặn hay nắn dòng vốn rẻ?
Thực ra không phải đến lúc này Ngân hàng Nhà nước mới tính đến chuyện siết lại tín dụng ngoại tệ.
Ngay từ tháng 6/2010, cơ quan này đã vào cuộc khi tăng trưởng cho vay loại này bắt đầu bùng nổ. Một văn bản tăng cường quản lý liên quan đã được gửi tới các tổ chức tín dụng tại thời điểm đó, bên cạnh việc phối hợp với Bộ Công Thương hạn chế cấp tín dụng ngoại tệ cho nhập khẩu.
Đầu năm 2011, định hướng trên tiếp tục được cụ thể ở cơ chế cho vay bằng ngoại tệ mới được ban hành; trong đó, điều kiện căn bản là đối tượng vay phải có và cam kết, chứng minh có nguồn ngoại tệ đối ứng để trả nợ. Việc lách quy định để vay dẫn đến tạo cung ảo, tạo áp lực cầu khi đáo hạn lại là vấn đề của quản lý và giám sát.
Còn với các nhu cầu vay ngoại tệ đúng theo quy định hiện hành (có nguồn đối ứng để trả nợ), họ đang có một dòng vốn rẻ.
Tại hội thảo của Ngân hàng Quốc Tế (VIB) hồi đầu năm, lãnh đạo chuyên trách của ngân hàng này cho biết họ vẫn tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nên vay ngoại tệ, bởi chênh lệch lãi suất giữa vay VND với USD quá lớn và có thể “khấu hao” rủi ro biến động tỉ giá trong ngắn hạn…
Như những phân tích thời gian qua, tín dụng ngoại tệ lãi suất thấp đang tạo dòng vốn rẻ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cạnh tranh về giá trên thị trường thế giới, rộng hơn là góp phần hạn chế nhập siêu.
Và khi các nhà xuất khẩu tập trung vay ngoại tệ sẽ giảm tải cho nhu cầu vay vốn VND, tạo thêm một yếu tố hỗ trợ cho khả năng giảm lãi suất VND…
Nhưng nay, thông điệp “hãm phanh” tín dụng ngoại tệ tiếp tục được phát đi, có thể dòng vốn rẻ đó sẽ bị thu hẹp. Đối tượng “siết” có lẽ sẽ là dòng tín dụng đáp ứng các nhu cầu nhập khẩu, đặc biệt là những trường hợp không có nguồn thu ngoại tệ đối ứng từ sản xuất kinh doanh mà phải mua từ các ngân hàng khi trả nợ. Nhóm này vốn đã có chủ trương “siết” chặt từ giữa năm 2010.
Hiện chưa rõ Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh như thế nào, bằng các công cụ nào, hay bằng các mệnh lệnh hành chính, đánh đồng các đối tượng hay sẽ có sự phân định cụ thể…
Còn trên thực tế những năm gần đây, rào cản lớn nhất mà thị trường tạo ra đối với tín dụng ngoại tệ là những cú sốc tỉ giá và khoảng cách của chênh lệch lãi suất.
Hiện tại, cùng với mức chênh lệch lãi suất vay VND với USD đang rất lớn, tỉ giá bình quân liên ngân hàng đứng yên cả tháng qua, thì nhu cầu vay ngoại tệ sẽ vẫn còn lớn.