Tiếc nuối một bảo vật quốc gia!
(PetroTimes) - Những ngày qua, chuyện bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị hư hại sau khi được “làm sạch” ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Tới thời điểm này, “Vườn xuân Trung Nam Bắc” là một trong số ít hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia ở Việt Nam. Đây cũng là tác phẩm tinh túy nhất của danh họa Nguyễn Gia Trí, bởi nó được sáng tác trong giai đoạn chín muồi về nghệ thuật, quy tụ tinh hoa trong lĩnh vực sơn mài của ông, được công nhận là một trong những bức tranh tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” bị biến sắc |
Nguyễn Gia Trí lên phác thảo cho “Vườn xuân Trung Nam Bắc” từ năm 1969 - thời điểm chiến tranh còn ác liệt - đến năm 1989 mới hoàn thành. 20 năm để cho ra đời một tác phẩm, có lẽ là một kỳ công hiếm có của lịch sử tranh sơn mài. Bức tranh sơn mài độc bản này khổ 540cm x 200cm, thể hiện một đề tài quen thuộc là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Tuy nhiên, bức tranh không dừng ở việc miêu tả đơn thuần mà đưa vào khung cảnh sức sống tươi mới của phụ nữ 3 miền trước mùa xuân rực rỡ. Đặc biệt, được sáng tác vào giai đoạn đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, bức tranh được xem như lời nguyện cầu thống nhất và hạnh phúc cho quê hương.
Cũng như những tác phẩm sơn mài cùng thời, “Vườn xuân Trung Nam Bắc” không có nhiều màu sắc mà chủ đạo vẫn là những màu cơ bản gồm: Đỏ, đen, trắng, vàng. Vậy nhưng sức hấp dẫn đến ma mị của tác phẩm đủ mạnh để làm lay động những ai đứng trước nó. Được biết, UBND TP HCM đã quyết định trích ngân sách 100.000 USD mua kiệt tác này vào năm 1991. Thời điểm ấy, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc mua tác phẩm mỹ thuật với giá cao đã làm nảy sinh cuộc tranh luận nảy lửa suốt nhiều năm. Giá trị của bức tranh chỉ được khẳng định khi một nhà sưu tập người Bỉ trả giá 1 triệu USD để mua lại kiệt tác này. Từ đó, cuộc tranh luận về “Vườn xuân Trung Nam Bắc” mới khép lại.
Vừa qua, sau một thời gian bảo quản, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã quyết định làm vệ sinh bề mặt cho tác phẩm. Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh của du khách và giới mỹ thuật, cuộc “làm sạch” này đã không còn giữ được nguyên trạng bức tranh. Từ đây, vấn đề về công tác bảo quản tại các bảo tàng Việt Nam lại một lần nữa được đặt ra.
Thực tế, công tác bảo quản hiện vật ở nước ta còn nhiều vấn đề đáng quan ngại, không chỉ về cơ sở vật chất mà cả về chuyên môn của những người phụ trách bảo quản.
Hiện tại, Việt Nam đã có tên trong Hiệp hội Bảo tàng ICOM của thế giới và châu Á nên có những thuận lợi khi được tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ nước ngoài trong công tác bảo quản, thế nhưng vẫn có những sự việc đáng tiếc xảy ra. Theo xác minh ban đầu, bức tranh sau khi được đưa ra vệ sinh làm sạch cuối năm 2018, khi được đưa ra trưng bày thì có nhiều nhận xét cho rằng, độ bóng của bức tranh khác lạ so với ban đầu, độ sâu của tranh cũng bị ảnh hưởng.
Trả lời báo giới, họa sĩ Nguyễn Trung Tín (Hội Mỹ thuật TP HCM) cho rằng: Quy trình vệ sinh bảo quản không đúng khi bức tranh được sử dụng bột chu để làm sạch, bởi bột chu có tính ăn mòn. Lớp phủ bên trên chính là màu thời gian, nó giúp cho sơn mài cổ kính hơn, nhưng bột chu đã làm ảnh hưởng tới phần bề mặt này.
Hiện tại, sự việc vẫn đang được các cơ quan chức năng xem xét, kết luận. Nhưng rõ ràng, tuổi thọ của bức tranh mới 30 năm mà đã xuống cấp trầm trọng như vậy cũng phải xem lại cách bảo quản hiện vật của bảo tàng.
Thực tế, với điều kiện thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam, việc bảo quản bảo vật gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hãy nhìn cách bảo quản hiện vật của các quốc gia trên thế giới, có những bức tranh có tuổi đời đến hàng trăm năm vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Các chuyên gia đã nhiều lần chỉ ra những yếu kém trong bảo quản hiện vật ở bảo tàng, từ công tác bảo quản chưa chuyên nghiệp, đến thiếu kiến thức chuyên môn. Vậy nên, nếu không nhanh chóng có sự cải thiện, thay đổi trong lĩnh vực bảo tàng thì sẽ còn nhiều bảo vật quốc gia có nguy cơ biến mất.
Bức tranh được vệ sinh làm sạch cuối năm 2018, khi được đưa ra trưng bày thì có nhiều nhận xét cho rằng độ bóng của bức tranh khác lạ so với ban đầu, độ sâu của tranh cũng bị ảnh hưởng. |
Huy An