Dự kiến xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2011
Hiệp hội lương thực Việt Nam dự kiến, lượng gạo xuất khẩu trong năm 2011 sẽ đạt 7 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Đến thời điểm này, số lượng gạo xuất khẩu mà các các doanh nghiệp đăng ký đã lên đến 6,2 triệu tấn và đã xuất khẩu được 4,7 tấn, đạt giá trị 2,2 tỉ USD, tăng 17% về số lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.
Giá tăng, lượng xuất khẩu tăng
Tại Hội nghị về Kinh doanh Xuất khẩu gạo do Bộ Công thương tổ chức tại TP HCM ngày 9/8, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết: Dự kiến, trong 9 tháng đầu năm nay, chúng ta sẽ xuất khẩu được 6 triệu tấn gạo và trong quý IV sẽ tiếp tục xuất khẩu thêm 1 triệu tấn gạo nữa. Giá lúa gạo trong nước nói riêng và thế giới nói chung đang ở mức cao và có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao cho đến cuối năm. Giá lúa bình quân trong 7 tháng đầu năm 2011 ở ĐBSCL là 3.740 đồng/kg, riêng giá lúa vụ hè thu là 6.040 đồng/kg, tăng 54% so với vụ hè thu năm 2010 và hiện nay giá lúa đã lên đến khoảng 6.600 – 7.000 đồng/kg. Đồng thời, trong lịch sử điều hành lĩnh vực lúa gạo ở nước ta chưa có vụ hè thu nào mà lúa gạo của nông dân thu hoạch đến đâu thì tiêu thụ hết đến đó như năm nay. Từ nay đến cuối năm, nông dân có thể yên tâm sản xuất mà không lo về vấn đề tiêu thụ, giá cả.
Trước tình hình giá lúa gạo đang tăng cao và tiêu thụ thuận lợi nên người dân cũng tăng cường sản xuất. Vụ thu đông sắp tới theo dự kiến chỉ có 605.000 ha đất canh tác nhưng đến nay diện tích canh tác thực tế đã lên đến 700.000 ha; cụ thể: Cần Thơ đăng ký 30.000 ha nhưng đến nay đã lên đến 50.000 ha, Hậu Giang dự kiến 10.000 ha nhưng thực tế canh tác lên đến 30.000 ha… Tuy nhiên, một số vùng canh tác không đủ đê bao chống lũ có thể gây ra thiệt hại lớn khi xảy ra mưa bão. Qua khảo sát, tỉnh Kiên Giang có 30.000 ha lúa vụ thu đông không có đê bao ngăn lũ. Cũng trong tình hình giá lúa gạo tăng cao, nông dân hăng hái sản xuất, vụ đông xuân dự kiến cũng sẽ được triển khai sớm hơn mọi năm.
Trước diễn biến trên, Hiệp hội lương thực Việt Nam yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần chú ý kiểm tra, giám sát, xây dựng đê bao, cảnh báo cho nông dân nguy cơ thiệt hại lúa do mưa bão trong vụ thu đông. Đồng thời, giám sát việc sản xuất sớm vụ đông xuân, chú ý đến việc đảm bảo thời vụ và phòng chống dịch bệnh.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo than khó!
Theo quy định của Nghị định 109/2010 NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ, các doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu lúa gạo sẽ không được xuất khẩu lúa gạo, thời gian chuyển đổi để đạt điều kiện xuất khẩu gạo là đến 1/10/2012. Theo Nghị định này, doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu lúa gạo phải đạt một số tiêu chuẩn cơ bản như: có kho công suất chứa trên 5.000 tấn, có lò sấy, hệ thống xay xát đạt công suất 10 tấn/giờ… Đến nay, đã có 44 doanh nghiệp được công nhận đủ điều trên. Dự kiến, đến tháng 10 năm nay sẽ có khoảng 80 doanh nghiệp được chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo.
Nhiều ý kiến cho rằng: Nghị định này sẽ “giết chết” những doanh nghiệp nhỏ tham gia xuất khẩu lúa gạo. Vì các doanh nghiệp nhỏ đa phần chỉ đơn thuần làm công tác thương mại không đầu tư về lò sấy, máy xay xát, kho bãi… trong khi đó việc đạt đủ điều kiện xuất khẩu gạo thì phải đầu tư rất lớn, đầu tư một máy sấy đã lên đến 30 – 40 tỉ đồng, trong thời điểm vốn tín dụng hạn chế, lãi suất ngân hàng cao thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp đề nghị, thay vì đầu tư mua sắm thiết bị, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo nhỏ lẻ sẽ liên kết với các cơ sở chuyên về sấy, xay xát… để đủ tiêu chuẩn và giảm việc đầu tư.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định: Nghị định 109 tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, trường hợp thiếu vốn buộc doanh nghiệp phải tự thân vận động, doanh nghiệp đã có thời gian để chuyển tiếp không thể nói Nghị định này “giết chết” doanh nghiệp kinh doanh nhỏ. Đây là thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ phải tìm cách vượt qua, để khẳng định năng lực của mình trong thị trường xuất khẩu lúa gạo.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho rằng: Việc quy định doanh nghiệp đủ điều kiện mới được tham gia xuất khẩu là một chủ trương đúng đắn nhằm thiết lập trật tự kinh doanh lương thực; giải quyết đầu ra cho nông dân; khắc phục tình trạng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nhưng không có kho, không có lò sấy, không có hệ thống bóc vỏ… nên chỉ khi nào có thị trường thì doanh nghiệp mới đổ xô đi gom hàng, còn khi không có hợp đồng xuất khẩu thì doanh nghiệp không mua lúa, gạo vì không có kho chứa, không có lò sấy… Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế khó khăn nên gia hạn thời gian chuyển tiếp thêm 1 năm để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị việc chuyển tiếp.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2011 có đến 211 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lúa gạo nhưng chỉ có 47 doanh nghiệp lớn đã chiếm 87 % tổng lượng hàng xuất khẩu. Do đó, số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu tuy còn ít nhưng vẫn đảm bảo được lượng hàng xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp nhỏ thì nên chuyển đổi hình thức kinh doanh, thay vì xuất khẩu trực tiếp có thể cung cấp hàng cho các doanh nghiệp đủ điều kiện để xuất khẩu lúa gạo. Bên cạnh việc xuất khẩu lúa gạo phải giám sát quá trình dự trữ, lưu thông để đảo bảo xuất khẩu nhưng không ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, cân đối trong việc mua lúa cho nông dân với giá tốt nhất nhưng đảm bảo giá gạo cho người tiêu dùng ở mức chấp nhận được, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Mai Phương