Hung tin giáng xuống đại gia thuỷ sản Dương Ngọc Minh trước kỳ nghỉ lễ
(PetroTimes) - Những tưởng đã có thể nhận được mức thuế 0 USD/kg như kết quả sơ bộ POR14 khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, “vua cá tra” Dương Ngọc Minh đã bị “giáng đòn mạnh” khi kết quả cuối cùng nhận được lại là mức thuế cao nhất. Giá cổ phiếu HVG của Hùng Vương lập tức nằm sàn suốt 4 phiên liền.
"Vua cá" Dương Ngọc Minh đã thực sự "vỡ mộng" với POR14 khi nhận kết quả phũ phàng |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017.
Theo đó, mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9/2018.
Điều bất ngờ là mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Tập đoàn thuỷ sản Hùng Vương của “vua cá” Dương Ngọc Minh là 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ). Trong khi đó, NTSF Seafood vẫn giữ mức 1,37 USD/kg so với mức thuế sơ bộ đã công bố trước.
Bốn doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác là: C.P Vietnam; CL-FISH; Green Farms Seafood và Thuỷ sản Vinh Quang bị áp mức thuế 1,37 USD/kg, tăng 0,96 cent/kg so với mức thuế sơ bộ. Trong khi đó, mức thuế suất toàn quốc vẫn áp dụng mức 2,39 USD/kg.
Thông tin này đã “giáng đòn” mạnh lên cổ phiếu HVG của Thuỷ sản Hùng Vương. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu HVG của Thuỷ sản Hùng Vương đã giảm kịch sàn ngay trước kỳ nghỉ lễ, hiện chỉ còn 5.570 đồng/cổ phiếu.
Mã này bị nhà đầu từ “xả hàng” rất mạnh, khối lượng khớp lệnh toàn phiên đạt 835 nghìn cổ phiếu song vẫn còn hơn 3,6 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn và hoàn toàn trắng bên mua. Đây đã là phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp của mã này trong tuần qua.
Trước đó, khi nhận kết quả sơ bộ POR14, ông Dương Ngọc Minh từng kỳ vọng sẽ đạt được doanh số 8.000 đến 10.000 tỷ đồng trong năm 2019, vượt xa so với mục tiêu đặt ra là 4.400 tỷ đồng (tình huống bất lợi nhất khi chưa tính đến thị trường Mỹ).
“Vua cá” nói với cổ đông rằng, với kịch bản POR14 đạt kỳ vọng, cuối năm 2020 Hùng Vương sẽ quay về mục tiêu doanh số 20.000 tỷ đồng. Khi đó, công ty có thể mua lại cổ phần đã bán cho Vingroup, đồng thời hình thành mô hình khép kín từ nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu. Và theo đó, ông sẽ rút khỏi công ty từ 2021, lui vào “hậu trường” để giao lại cho lớp trẻ.
Thế nhưng, với mức thuế cuối cùng ở mức cao nhất từ POR14, kế hoạch trở lại “đường đua” của Thuỷ sản Hùng Vương lại trở nên gian nan bội phần khi mới chỉ vừa thoát lỗ vào năm 2018.
VASEP cho biết, trong hai tháng (tháng 2 và 3/2019) giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm lần lượt 22,8% và 44,4%.
Do đột ngột giảm mạnh nên Mỹ vốn được dự báo trở lại thị trường xuất khẩu hàng đầu của doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 3 (sau EU) đạt 71,16 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 15,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong quý I/2019.
Tính đến hết tháng 3/2019, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 71,16 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
VASEP lo ngại, mức thuế chống bán phá giá chính thức vừa mới công bố sẽ có nhiều diễn biến mới đối với xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Dự báo, trong quý 2/2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường này có thể giảm tiếp.
Theo Dân trí