Hà Nội chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh chỉ số PAPI
(PetroTimes) - Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, kiểm tra công vụ… nhằm đẩy mạnh Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố năm 2019.
4 tháng đầu năm: Hà Nội thu hút gần 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài |
Hà Nội sẽ sáp nhập 12 chi cục thuế huyện thành 6 chi cục |
Công bố chỉ số PAPI 2017: Người dân đánh giá tham nhũng thuyên giảm |
UBND TP Hà Nội vừa hành “Kế hoạch nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố năm 2019”.
Theo Kế hoạch này, UBND TP Hà Nội chỉ đạo cần làm tốt công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đi đôi với tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động tại địa bàn dân cư; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch đối với các nội dung quy định tại Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân của UBND cấp xã, UBND cấp huyện.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các văn bản có liên quan về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức để người dân biết, thực hiện giám sát. Công khai báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng hàng năm; kết quả xử lý các hành vi, cá nhân, tổ chức tham nhũng; khắc phục các tồn tại về công tác phòng chống tham nhũng của thành phố, của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cải thiện lòng tin của người dân đối với nỗ lực phòng chống tham nhũng của thành phố.
(Ảnh minh họa) |
Đáng chú ý, bản kế hoạch này yêu cầu thực hiện công khai kết quả các chỉ số đánh giá, xếp hạng trong nội bộ thành phố (Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số phòng chống tham nhũng, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền, Chỉ số đánh giá năng lực điều hành...). Công khai cụ thể kết quả công tác phòng chống tham nhũng, các trường hợp xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.
Tăng cường các kênh tiếp nhận thông tin, nắm bắt ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, của công chức. Phát huy vai trò giám sát của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có cơ chế bảo vệ người dân khi thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng.
Trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ; thực hiện tốt cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, chống phiền hà sách nhiễu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, cấp phép xây dựng, các nội dung liên quan đất đai, tài nguyên môi trường, quản lý đô thị...
Tiếp tục thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, kiểm tra công vụ, việc giải quyết thủ tục hành chính để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình phụ trách; xử lý mức độ tăng nặng hơn đối với hành vi, hiện tượng bị báo chí, người dân phát hiện.
Cùng với việc hướng tới chính quyền điện tử, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng công chức, viên chức, người lao động vào cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển dụng và các công tác khác về quản lý công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác tuyển dụng… nhằm nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Trong năm 2019, để cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI, Hà Nội tiếp tục xác định 6 nội dung chính tương ứng với 6 tiêu chí đánh giá của Chỉ số PAPI; gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2019 “Nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Trong đó, thực hiện đúng, đủ các nội dung công khai; phát huy dân chủ, tạo môi trường, điều kiện để người dân thực hiện tốt các quyền được biết, được bàn, được tham gia ý kiến, được giám sát, được quyết định…
Theo Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội phấn đấu bảo đảm trên 80% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4; 100% văn bản giao dịch giữa các cơ quan nhà nước thực hiện trên môi trường mạng (trừ các văn bản không chuyển qua mạng theo quy định); đưa vị trí xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.
PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Cho đến nay, Chỉ số PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 117.363 người dân.
Đầu tháng 4/2019, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị đã tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2018. Trong tổng hợp kết quả PAPI năm 2018 của 63 tỉnh/thành phố, Bến Tre và Lạng Sơn là 2 địa phương có tổng điểm cao nhất đều là 47,05 điểm; thấp nhất là Bình Định với 41,04 điểm. Tổng số điểm chỉ số PAPI của Hà Nội đạt 42,32 điểm.
Nguyễn Hưng