Làm sao để chặn cơ hội nhũng nhiễu, đòi hỏi chi phí không chính thức?
(PetroTimes) - “Hệ thống quy định pháp luật, thủ tục hành chính không rõ ràng, không hợp lý, phức tạp và không tiên liệu được đã tạo thành cơ hội cho cơ quan, cán bộ liên quan nhũng nhiễu DN và đòi hỏi chi phí không chính thức”, TS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM chỉ rõ.
Những con số đáng lưu tâm
Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, có 54,8% doanh nghiệp (DN) cho biết phải trả chi phí không chính thức; 58,2% DN trong nước cho biết vẫn tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước địa phương giải quyết thủ tục cho DN.
Ảnh minh họa |
Môi trường kinh doanh được đánh giá bình đẳng hơn sau những nỗ lực cải thiện của Chính phủ nhưng vẫn được nhận định vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Điều tra của VCCI cho thấy vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn các doanh nghiệp tư nhân.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong một nền hành chính minh bạch, có tới quá nửa (gần 55%) DN vẫn phải trả chi phí không chính thức, rõ ràng đây là con số cần lưu tâm, bởi điều đó cho thấy môi trường kinh doanh của ta chưa thực sự tốt.
Trên thực tế, thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng của phần lớn DN. Có tới trên dưới 30% DN cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác.
“Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải… Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho hay.
Còn theo kết quả điều tra PCI 2018, có 7,1% DN phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; 30% DN trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai (giảm so với 32% vào năm 2018); 39,3% DN cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (năm 2017 là 51,9%).
Năm 2018 có 48,4% DN đồng ý với nhận định “Chi trả "hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” (năm 2017 là 54,9%); 28,8% DN lo ngại “tình trạng chạy án” là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án (năm 2017 là 31,6%).
Phải ngăn chặn từ gốc
Về nguyên nhân dẫn đến chi phí không chính thức, theo TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là do những hạn chế của hệ thống thể chế, quy định pháp luật. “Hệ thống quy định pháp luật, thủ tục hành chính không rõ ràng, không hợp lý, phức tạp và không tiên liệu được đã tạo thành cơ hội cho cơ quan, cán bộ liên quan nhũng nhiễu DN và đòi hỏi chi phí không chính thức”, TS Phan Đức Hiếu chỉ rõ.
Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội... |
Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí không chính thức xuất phát từ sự thiếu minh bạch trong thực thi quy định của pháp luật. Do đó, để giải quyết tình trạng này, cần cơ chế công khai, minh bạch trong các quy định pháp luật, trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng và trách nhiệm hỗ trợ DN của các hiệp hội DN.
Mặc dù khó có thể loại bỏ hoàn toàn chi phí không chính thức, song giải pháp bao trùm vẫn là cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, vì mục đích cuối cùng là xóa bỏ bất hợp lý về thể chế, từ quy định pháp luật đến bộ máy thực thi.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Chỉ thị nêu rõ, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Chỉ thị cũng thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ về việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ, “mở đường” cho doanh nghiệp phát triển. “Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp”, Chỉ thị nêu rõ.
Với những hành động quyết liệt của Chính phủ trong thời gian qua, cho thấy sự nỗ lực quyết tâm của “Chính phủ hành động” vì một môi trường đầu tư minh bạch, vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm sao để “trên bảo dưới phải nghe” và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở thì mới mong có thể khơi thông những cản trở mà từ trước đến nay doanh nghiệp và người dân vẫn luôn phải gánh chịu.
Lê Minh
Thủ tướng yêu cầu ngành thuế khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực |
Doanh nghiệp 'chậm lớn', vì sao? |
Giao dịch “gầm bàn” |