Hà Nội cưỡng chế công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn
Một tháng sau khi kết luận thanh tra được công bố, những công trình vi phạm trên đất rừng ở huyện Sóc Sơn bắt đầu bị phá dỡ.
Ngày 23/4, UBND xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) bắt đầu cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng tại khu Lâm Trường. Khu vực cưỡng chế được phong tỏa. Xe cẩu cỡ lớn cùng hàng chục người được huy động tham gia phá dỡ. Người dân đã tự tháo dỡ một phần công trình và di dời vật dụng, đồ đạc gia đình trước khi chính quyền cưỡng chế.
Chính quyền xã thông tin, trong hai ngày 23-24/4 ba công trình vi phạm bị phá dỡ với tổng diện tích hơn 100 m2. Xã Minh Phú lên kế hoạch đến giữa tháng 5 sẽ hoàn thành cưỡng chế 20 công trình.
Công trình vi phạm thứ ba tại khu Lâm Trường, xã Minh Phú (Sóc Sơn) bị cưỡng chế. |
Theo kết luận của thanh tra thành phố (công bố ngày 21/3), hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng Sóc Sơn có gần 800 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp.
Ngày 10/4, phát biểu tại cuộc họp của Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư huyện Sóc Sơn cho biết, từ đầu tháng 4, huyện đã họp Ban thường vụ và ra nghị quyết giao UBND huyện có kế hoạch xử lý các công trình xây dựng vi phạm trong năm 2017, 2018 cũng như xử lý cán bộ liên quan. Sóc Sơn đã phân loại cán bộ thuộc diện thành phố hoặc huyện quản lý, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xem xét.
Cũng tại cuộc họp trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đang tập hợp việc xử lý công trình vi phạm ở Sóc Sơn và sẽ báo cáo kết quả với lãnh đạo Chính phủ. Ban cán sự Đảng ủy UBND thành phố sẽ họp với Thanh tra Chính phủ để thống nhất theo tinh thần "nội dung Thanh tra chính phủ đã kết luận thì cơ quan chức năng thành phố không kết luận lại mà phối hợp tiếp tục thực hiện".
Một công trình vi phạm ở xã Minh Phú bị phá dỡ. |
Năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã như Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Phù Linh... Tại khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 hecta. Trong số này, có gần 80 nhà kiên cố, nhà sàn; 26 trường hợp xây dựng theo mô hình trang trại, xưởng sản xuất.
Những vi phạm cũ chưa xử lý hết thì trong hơn hai năm (tháng 1/2016 đến tháng 6/2018), qua kiểm tra 28 trường hợp xây dựng ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí, nhà chức trách đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 12 trường hợp "tự ý chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép"; 16 trường hợp còn lại được chính quyền huyện báo cáo "đã xây dựng từ những năm trước và sử dụng ổn định".
Trước thực tế trên, giữa tháng 10/2018, TP Hà Nội tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Trí và Minh Phú. Chính phủ cũng yêu cầu TP Hà Nội thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.
Theo VnExpress