Sức trẻ mang lại màu xanh hy vọng
(PetroTimes) - Thuộc thế hệ cuối 8X - đầu 9X, những thanh niên người Thái ở khu tái định cư xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) chọn cho mình con đường gắn bó với quê hương để lập nghiệp. Với sức trẻ và niềm hăng say lao động, họ đã góp phần mang lại màu xanh hy vọng cho khu tái định cư từng trải qua không ít khó khăn.
Làm thuê để học hỏi
Đồi chè vừa thu hoạch xong lứa đầu tiên kể từ sau Tết Nguyên đán, Lương Mạnh Dũng (SN 1992) ở bản Muộng đang tranh thủ làm cỏ. Dũng kể: “Gia đình em chuyển từ vùng lòng hồ thủy điện về đây tái định cư đã được 10 năm. Mẹ em đã mất, hai bố con bắt đầu trồng chè từ năm 2012. Lúc ấy do chưa nắm vững kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc nên cây chè thường bị chết, phải trồng đi trồng lại nhiều lần”.
Kinh tế khó khăn, không có nguồn thu nhập ổn định, có lúc Dũng đã bắt đầu chán nản và có ý định theo bạn bè vào miền Nam làm công nhân. Nhưng ngặt nỗi bố sức khỏe yếu, em gái còn nhỏ nên Dũng không thể đi xa. Rồi Dũng sang xã Thanh An làm thuê, chủ yếu là trồng, chăm sóc và thu hái chè. Bà con Thanh An trồng chè từ lâu đời, năng suất và chất lượng luôn ở mức cao. Làm công tại đây, Dũng đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm để về nhà áp dụng. Nhờ đó, đồi chè của gia đình Dũng ngày càng phát triển tốt, hứa hẹn cho nguồn thu nhập ổn định.
Lương Mạnh Dũng chăm sóc đồi chè của gia đình |
Sau 7 năm với công việc trồng và chăm sóc chè nguyên liệu, nay gia đình Lương Mạnh Dũng đã có 1,6ha chè xanh tốt, trong đó một nửa diện tích đã cho thu hoạch, diện tích còn lại sẽ cho thu hoạch vào cuối năm nay. Mỗi năm cây chè cho thu hoạch 6-7 lứa, trừ chi phí, bình quân mỗi tháng cho thu nhập 6-7 triệu đồng, tức là khoảng 80 triệu đồng/năm. Năm tới, thu nhập từ cây chè sẽ tăng gấp đôi, trong khi đầu ra và giá cả tương đối ổn định, có xe vào tận nơi thu mua, vợ chồng Dũng thực sự yên tâm với việc trồng chè.
Chưa kể, gia đình Dũng còn khai hoang được 5 sào ruộng nước, mỗi năm gieo cấy hai vụ, nên nguồn lương thực được bảo đảm. Ngoài ra, Dũng còn chăn nuôi bò, lợn, gà, vịt để lấy sức kéo, tự túc nguồn thực phẩm hằng ngày và một phần phân bón phục vụ sản xuất.
“Chỉ cần chăm chỉ, chịu khó và làm việc có kế hoạch sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, giúp cho cuộc sống ngày càng ổn định” - Dũng khẳng định.
Ngăn dòng Mạn Tác
Không được thuận lợi như Lương Mạnh Dũng khi đồi chè ở gần nhà, đất canh tác của gia đình Vi Văn Hai (SN 1989) ở bản Noòng được chia ở tận đầu nguồn khe Mạn Tác, cách nhà hơn 5km. Đất vừa dốc, vừa cao, đường vào phải men theo mép khe nên quanh năm lầy lội, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng gặp không ít khó khăn. Ngay từ khi mới nhận đất, Hai bàn với bố mẹ trồng keo trên vùng đất cao, phía dưới dùng để trồng sắn theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, gia đình Hai có 3ha keo đã thu hoạch 2 lứa, mấy tháng tới sẽ thu hoạch lứa thứ 3, mang lại nguồn thu đáng kể để xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi và nuôi các con nhỏ.
Ao nuôi cá nhà Vi Văn Hai bên dòng Mạn Tác |
Vi Văn Hai chia sẻ: “Trồng sắn một thời gian, nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, lại mất nhiều công sức, nên từ năm 2014, em chuyển sang trồng chè nguyên liệu, diện tích gần 1ha. Hiện cây chè cũng đã cho thu hoạch 6-7 lứa/năm với thu nhập khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng. Đây là nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình tích lũy và phát triển kinh tế”. Trồng xong chè, còn một ít đất nằm ven dòng Mạn Tác, Hai quyết định đào ao nuôi cá với diện tích hơn 500m2. Gần khe suối, nguồn nước bảo đảm, thức ăn dồi dào nên cá lớn rất nhanh, không những đáp ứng nhu cầu thực phẩm của gia đình mà Hai còn bán cho bà con trong bản và trong xã.
Bên cạnh đó, vợ chồng Vi Văn Hai còn nuôi thêm bò và chăn thả gà để cải thiện đời sống và tăng thêm nguồn thu nhập. Bò được nuôi 2-3 con để tận dụng nguồn thức ăn, đàn gà luôn ở mức trên 200 con, gần như ngày nào cũng có người vào tận nơi mua gà thịt và trứng. Để chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi, từ mấy năm trước, vợ chồng Hai đã vào dựng lán trại, thay phiên nhau trông giữ. “Công việc vất vả nhưng có được thành quả từ công sức bỏ ra, vợ chồng em thật sự phấn khởi và yên tâm với sự lựa chọn của mình” - Hai chia sẻ thêm.
Bắt đầu sự lan tỏa…
Dẫn chúng tôi một vòng khắp các bản, anh Lương Duy Nhất - Bí thư Đoàn xã Ngọc Lâm, cho hay, không chỉ có Lương Mạnh Dũng và Vi Văn Hai mà ở khu tái định cư này còn có không ít thanh niên cần cù, chịu khó làm ăn, thu nhập ngày càng ổn định và được nâng cao. Đó là Lương Hồng Chuyên (bản Muộng) hiện có hơn 1ha chè đã cho thu hoạch, có thêm ruộng nước và ao cá để tăng nguồn thu; Lô Khăm Phong - Bí thư Chi đoàn bản Xiềng Lằm - đang sở hữu khoảng 1ha chè nguyên liệu và một diện tích khá lớn cây keo đã cho thu hoạch, đời sống ngày càng khấm khá… Những người trẻ này đã và đang góp phần mang đến màu xanh cho khu tái định cư một thời từng gặp bao khó khăn, vất vả tưởng chừng như rất khó để vượt qua.
Vi Văn Hai nuôi gà thịt và lấy trứng |
Đặc biệt, thời gian qua, do chưa thích nghi được với điều kiện sống ở vùng tái định cư, lại thiếu việc làm, nên không ít thanh niên đã rời bỏ bản làng đi làm ăn xa, người vào Nam, kẻ ra Bắc làm công nhân, có người trở lại vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ phát nương làm rẫy, thậm chí có người sang tận Trung Quốc, Lào hay Thái Lan để làm thuê. Tuy thu nhập cao nhưng phải xa gia đình và tự lo liệu việc chi tiêu nên không mấy người có tích lũy để giúp đỡ gia đình, cuộc sống của bố mẹ ở nhà vẫn khó khăn, túng thiếu. Gần đây, khi nhận thấy một số thanh niên trong xã bước đầu thành công trong việc bám đất, bám rừng phát triển nông - lâm nghiệp, nhiều người đã trở về phát đồi trồng keo, trồng chè, đào ao nuôi cá. Vì thế, núi đồi ở Ngọc Lâm đang ngày càng xanh tươi, đời sống người dân đang dần đi vào ổn định.
Ông Vi Văn Tuyến - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm nói: “Ngọc Lâm đã bắt đầu xuất hiện những tấm gương thanh niên làm kinh tế khá, có nguồn thu nhập ổn định. Hy vọng từ đây sẽ tạo nên sức lan tỏa, giúp nhiều người khác nhận thấy tiềm năng của vùng đất này và quyết định gắn bó với núi rừng, cùng bản làng xây dựng cuộc sống mới”.
Trần Công Kiên