Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân tỉ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế
(PetroTimes) - “Khi chỉ số về chất lượng văn bản pháp luật hướng tới sự phát triển của khu vực tư nhân cứ tăng được 1% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cải thiện được 1,3 điểm phần trăm”, đại diện WB ước tính.
Thời gian qua với sự nỗ lực mạnh mẽ từ Chính phủ tới các bộ ban ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp đã phần nào thu nhận được kết quả tốt.
Theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016. Trong đó, chỉ số tiếp cận điện năng tăng 69 bậc; nộp thuế và bảo hiểm tăng 36 bậc; mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân tăng 29 bậc; chỉ số hiệu quả hoạt động của ngành logistics tăng 25 bậc; khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 14 bậc… Hơn 50% doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng thuận lợi hơn đáng kể.
Dù nhiều điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng gây khó khăn cho doanh nghiệp |
Tuy nhiên, đánh giá về những kết quả này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam vẫn cần phải đánh giá nghiêm túc cũng như thực hiện dứt khoát, triệt để những mục tiêu đã đề ra bởi trên thực tế rất nhiều vấn đề giải quyết xong chỗ này lại phát sinh thêm chỗ khác. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban môi trường kinh doanh (CIEM) trong cuộc hội thảo tổ chức mới đây cho hay, dù nhiều điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng gây khó khăn cho doanh nghiệp do điều kiện kinh doanh bị cắt giảm lại biến tướng thành quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Ngoài ra, bà Thảo cũng đánh giá, vấn đề cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia ít có chuyển biến nên vẫn gây cản trở, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia chỉ mang tính hình thức hơn là tạo thuận lợi thực chất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng hậu đăng ký doanh nghiệp và tiếp cận thông tin minh bạch.
Cùng bàn luận về vấn đề này, TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, chất lượng tăng trưởng còn nhiều vấn đề. Nền kinh tế vẫn rất kém năng động vì thiếu sáng tạo, thiếu dịch vụ mới, công nghệ mới ngành nghề mới, lại không có sự dịch chuyển nguồn lực để phân bố lại nguồn lực.
Ông Cung dẫn chứng, hiện đã có xu hướng địa phương đi đầu đang tụt xuống về chất lượng môi trường kinh doanh và chỉ số cải thiện PCI do cách làm cứng nhắc triệt tiêu sáng tạo khiến doanh nghiệp khó phát triển. “Chúng tôi đi khảo sát địa phương có tình trạng rất ngại đổi mới, sáng tạo. Yêu cầu cải cách cả Trung ương và địa phương để mở dư địa và không gian cho đổi mới sáng tạo trong giai đoạn hiện tại. Cần biến sáng tạo trở thành nguồn lực lớn nhất cho sản xuất kinh doanh hiện nay, ví dụ như ngành công nghiệp chế tạo lắp ráp vốn là xương sống mũi nhọn của Việt Nam nếu không có sáng tạo các ngành sẽ sớm đi xuống”, ông Cung nhấn mạnh.
Theo khuyến nghị của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), dù đã đạt được nhiều bước tiến tốt về cải thiện môi trường kinh doanh và cải thiện thế chế, văn bản pháp luật, song Việt Nam cần chú trọng tăng cường chất lượng và cắt giảm thực chất trong thời gian tới để thực sự đạt được hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
“Khi chỉ số về chất lượng văn bản pháp luật hướng tới sự phát triển của khu vực tư nhân cứ tăng được 1% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cải thiện được 1,3 điểm phần trăm”, đại diện WB ước tính.
Lê Minh