Tranh luận cách xử lý thí sinh sau vụ gian lận ở Hòa Bình, Sơn La
Bày tỏ ý kiến trái chiều về việc có hủy kết quả thi hay không, nhưng các chuyên gia đều thống nhất cần cho thí sinh cơ hội làm lại.
Những ngày qua, ba trường khối công an cùng nhiều đại học xóa tên khoảng 60 sinh viên Hòa Bình, Sơn La do được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Lý do những em này có điểm chấm thẩm định (chấm lại khi có nghi vấn) thấp hơn điểm trúng tuyển vào trường và vi phạm cam kết của trường. Dù bị hạ điểm, 8 sinh viên khác được học tiếp do điểm chấm thẩm định đủ trúng tuyển.
Nhiều độc giả đã phản ứng, cho rằng cách xử lý thí sinh không công bằng khi người vi phạm như mang tài liệu, mang điện thoại vào phòng thi dù có xem được hay không vẫn bị hủy bài thi, trong khi thí sinh liên quan đến gian lận lại được học tiếp.
Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng các đại học đã làm đúng quy định. Bộ đang vận dụng quy chế về chấm phúc tra, thẩm định và xác định lỗi thuộc về bộ phận làm điểm thi. Quy chế thi THPT quốc gia hiện mới nhằm vào hành vi sai phạm của người dự thi, người tổ chức, chấm thi. Những biện pháp xử lý đối với hành vi khuất tất, gian lận trước kỳ thi chưa được đề cập.
Trước ý kiến cho rằng thí sinh sau khi biết liên quan đến gian lận đã đổi nguyện vọng để vào trường phù hợp, hoặc thấy điểm cao bất thường nhưng không tố giác, vẫn học ở trường top cao, ông Khuyến khẳng định mọi sai phạm phải được dựa trên chứng lý, không thể khép tội theo suy luận dù nó logic. "Việc thí sinh bị tụt điểm sau chấm thẩm định không đồng nghĩa các em gian lận", ông nói.
Nguyên vụ phó Giáo dục đại học cho rằng cơ quan điều tra cần làm nhanh hơn nữa, chẳng hạn trong vụ can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm ở Hòa Bình, một đối tượng thừa nhận hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng. Từ người này, ông Khuyến nhận định không khó để lần ra người đưa hối lộ, trực tiếp mua điểm. Khi tìm ra, những người mua điểm sẽ bị khởi tố.
Nếu các đối tượng liên quan khai nhận học sinh có biết và tham gia vào quá trình hối lộ, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có chứng cứ để xử lý thí sinh theo hướng buộc thôi học, hay cấm tham gia kỳ thi THPT quốc gia các năm sau.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo (Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM), cho rằng theo quy chế tuyển sinh hiện nay, các đại học chưa thể xử lý thí sinh được nâng điểm. Bởi việc nâng điểm thực hiện từ khâu chấm thi trở đi, còn phần tham gia thi các em đã thực đúng quy chế, không vi phạm. Nếu chỉ căn cứ vào thông báo điều chỉnh điểm thi THPT quốc gia từ các Sở Giáo dục và Đào tạo gửi về, trường chỉ có thể tính lại điểm xét tuyển đầu vào cho thí sinh, nếu đủ tiêu chuẩn thì phải cho học tiếp.
Chưa kể, nhiều thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia nhưng lại vào đại học bằng con đường xét học bạ thì việc buộc thôi học các em là điều không thể, bởi không có quy định. Việc xét tuyển vào đại học đều phải làm theo quy chế, không thể cảm tính.
Theo ông Sơn, điều cần làm là xử lý nghiêm phụ huynh, người thân thí sinh can thiệp vào điểm thi để lập lại trật tự cho kỳ thi THPT quốc gia. Riêng thí sinh, việc xử lý cần có tình, có lý. "Dẫu sao các em mới ở độ tuổi chập chững vào đời, còn tương lai dài phía trước. Tôi không đồng tình chuyện xử lý rồi công khai danh tính, bởi phải cho các em làm lại, ngay cả khi có lỗi", ông Sơn nói.
108 thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình đang được xử lý thế nào? |
Trong khi đó, PGS Nguyễn Lê Ninh (Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM), cho rằng những thí sinh được nâng điểm chủ yếu là con em lãnh đạo, cán bộ địa phương nên nếu "không xử lý nghiêm, cứ dĩ hòa vi quý, ngành giáo dục càng làm mất niềm tin của xã hội, không khôi phục được hình ảnh".
Theo PGS Ninh, đầu tiên phải xử lý phụ huynh chạy điểm cho con, bởi phần lớn trong số này là cán bộ, công chức nhà nước. Hơn ai hết, họ phải hiểu rõ và tuân thủ pháp luật. "Nếu cơ quan điều tra chứng minh họ tham gia chạy điểm thì việc cách chức là hợp lý, không tiếp tục quy hoạch cán bộ. Nếu họ là đảng viên thì phải chịu thêm xử lý theo quy định đảng viên", ông Ninh nói, đồng thời cho rằng có thể xử lý hình sự nếu họ trực tiếp tham gia việc hối lộ, mua bán điểm.
Việc xử lý thí sinh, theo PGS Ninh cần mềm mỏng, hợp lý, nghiêng về "chữ tình" bởi dù sao các em mới độ tuổi đôi mươi. "Nếu điểm vào đại học của họ có từ việc gian dối thì cần đuổi học, song không nên công khai tên", ông nói.
Ở góc độ pháp luật, thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM) dẫn điểm đ khoản 6 điều 49 Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, cho rằng thí sinh cần bị hủy kết quả thi và bị lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý với hành vi sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Theo ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm giải quyết từ gốc - hủy kết quả thi THPT quốc gia, đồng nghĩa với việc thí sinh không đủ điều kiện xét tuyển đại học - chứ không thể đẩy trách nhiệm cho trường đại học. Thí sinh được nâng điểm cần bị buộc thôi học, bởi họ đã vi phạm quy chế thi THPT quốc gia, điểm thi là bất hợp pháp.
Giảng viên Quang cho rằng, các đại học cần cân nhắc gọi nhập học bổ sung để bù đắp cho số thí sinh đã bị loại vì gian lận điểm thi và trao lại cơ hội chính đáng cho các thí sinh khác. "Công lý không thể chỉ được thực thi một nửa", ông nói.
Về phụ huynh tham gia nâng điểm cho con em, theo ông Quang, cơ quan điều tra có thể làm rõ để xử lý theo tội đưa hối lộ quy định tại Bộ luật Hình sự. Hành vi đưa hối lộ có thể là vật chất, tiền bạc, cũng có thể là phi vật chất (hứa hẹn được thăng tiến, lợi ích trong công việc...). Cũng có thể phụ huynh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng tới người khác để con em được nâng điểm thì có thể coi là hành vi trục lợi được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng.
Trường hợp không đủ căn cứ để khởi tố hình sự thì có thể xử lý hành chính những phụ huynh tham gia nâng điểm. Bởi phần lớn họ là công nhân, viên chức nhà nước, chịu sự điều chỉnh bởi Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, các quy chế phòng chống tham nhũng các cơ quan. Chưa kể, nhiều người trong số này là đảng viên thì phải chịu thêm hình thức xử lý theo điều lệ Đảng.
Liên quan đến hành vi trên, nếu chứng minh thí sinh tham gia "chạy điểm" ngay từ đầu với cha mẹ thì có xử lý tội đồng phạm hoặc không tố giác tội phạm. Nếu không chứng minh được điều này thì có thể xử lý biện pháp hành chính với thí sinh, song không được công khai danh tính các em bởi luật hiện hành không cho phép. "Xử lý việc gì cũng cần có tình có lý. Vừa răn đe, vừa phải để em có cơ hội được thi lại, đi lên bằng thực tài", ông Quang nói.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La xảy ra gian lận điểm thi. Công an xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018. Hòa Bình, Sơn La phải đến tháng 3/2019 Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có kết luận điều tra và công bố điểm chấm thẩm định. Kết quả 64 em ở Hòa Bình và 44 em ở Sơn La được nâng điểm. 63 em trúng tuyển vào các trường công an, quân đội, y khoa, nhưng sau đó đã bị đuổi học hoặc tự nghỉ. Theo quy chế, điểm chấm thẩm định là điểm chính thức của thí sinh, được sử dụng để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Trong khi chờ cơ quan công an làm rõ sai phạm của thí sinh, nếu đủ điểm vào các trường đại học, những em này được tiếp tục học. Nếu xác định rõ sai phạm, thí sinh sẽ bị xử lý. 16 cán bộ liên quan đến sai phạm thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã bị khởi tố, bắt giam. |
Theo VNE