“3 lần xô vào ôm hôn bé gái trong thang máy sao có thể gọi là… nựng?!”
“Vụ Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy, rõ ràng ông này xô vào ôm hôn cháu bé tới 3 lần chứ không phải chỉ 1 lần mà gọi là “nựng”. Cháu bé đã phản ứng, hoảng sợ, chờ thang mở rồi bỏ chạy” – Phó Chủ tịch Thường trực Hội luật gia TPHCM Nguyễn Đức Sáu nhận định về vụ việc…
Đối đầu tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cần “bảo hiểm oan sai” cho cơ quan tố tụng?
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu các vấn đề đề nghị thảo luật |
Tham gia thảo luận tại phiên họp của UB Tư pháp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị về nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sáng 19/4, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền đề nghị chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, không nói trách nhiệm chung chung. Theo ông, hoạt động tố tụng phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Ông Quyền cho rằng các vụ việc trên phải được xem xét rất nghiêm khắc.
Dẫn chứng vụ hiếp dâm bé gái 9 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội khi ban đầu, công an Hà Nội khởi tố về tội danh “dâm ô”, sau đó tội danh được khởi tố chuyển thành “hiếp dâm”, đại biểu cho là thao tác bình thường. Song ông không đồng tình với việc, kết luận điều tra của công an huyện Chương Mỹ về vụ việc này vẫn là “dâm ô”, chỉ đến khi cơ quan điều tra cấp trên (Bộ Công an) vào cuộc mới đổi tội danh.
“Như vậy, cơ quan tố tụng Chương Mỹ phải chịu trách nhiệm - không phải chung chung mà phải cách chức hoặc không bổ nhiệm lại” – ông Quyền nêu quan điểm.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp cũng nêu thực tế những phúc đáp của cơ quan chức năng đối với các vụ việc bức xúc rất chậm. Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật cũng có vấn đề.
“Hãy đặt mình vào vị trí bố mẹ của đối tượng bị xâm hại. Rõ ràng dư luận bức xúc vì sự không nghiêm minh của pháp luật”, ông Quyền nói.
Nhắc lại vụ Đỗ Mạnh Hùng sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chung cư chỉ bị phạt 200 nghìn đồng, ông Quyền cho rằng “nếu nói vì không có chứng cứ mà phạt 200 nghìn là vô cảm trước nỗi đau của người bị xâm hại”.
“Chúng ta xử lý theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nhưng quy định đó không ăn nhập gì với hành vi của người này. Vậy mà cứ làm một cách vô cảm như thế thôi”, ông Quyền bình luận và một lần nữa nhấn mạnh, trong thực thi công vụ, nếu không có trách nhiệm thì nghỉ cho người khác làm. Ông cũng đề nghị phải nâng cao trách nhiệm của tất cả các cơ quan.
Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng phát biểu trước UB Tư pháp |
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng – Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng - nhận định, quy định của pháp luật với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện rất nghiêm khắc. Thực tiễn, các cơ quan tố tụng tại Đà Nẵng đã đưa nhiều vụ việc ra xử lý, nhiều vụ xử với mức án chung thân, nhiều vụ trên 15 năm tù. Theo ông Dũng, nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp chỉ ra, kết quả điều tra, khám phá, xử lý đạt trên 92%. Con số đó rất cao.
Với tư cách người tham gia tiến hành tố tụng, ông Dũng đề cập một số vụ việc chậm khiến dư luận phản ứng. Đại biểu lý giải, có một nguyên nhân là hiện tại, cơ quan tố tụng gặp khó khăn với việc thu thập chứng cứ vì nhiều vụ việc chỉ có lời khai của người bị hại mà nhiều trường hợp là trẻ nhỏ, nghi can không nhận tội, thời điểm phát giác sự việc là sau khi hành vi xảy ra đã nhiều tháng, dấu vết xâm phạm cũng không còn, nghĩa là chứng cứ sinh học không thu được.
“Tôi cũng có nghe đến việc sẽ có quy trình tố tụng đặc biệt với các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nhưng cũng chưa hình dung ra thế nào cho khác biệt, ngoài việc tạo môi trường làm việc thân thiện với các nạn nhân là trẻ nhỏ” – ông Dũng đề cập.
Khó khăn khách quan khác, theo Viện trưởng Nguyễn Quang Dũng, hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi dâm ô, hành vi “quan hệ tình dục khác” ngoài giao cấu. Vì cậy cần tăng cường hoạt động giải thích luật và án lệ.
Viện trưởng Dũng dẫn chứng, một vụ việc ở Đà Nẵng, đối tượng phạm tội đưa bộ phận sinh dục vào miệng 2 cháu bé sinh năm 2011, ông xác định phải xử ở tội hiếp dâm trẻ em nhưng lên cấp phúc thẩm thì tội danh lại được đổi sang tội “dâm ô” vì các cơ quan chưa có hướng dẫn luật cụ thể về hành vi “quan hệ tình dục khác”, mà như vậy thì phải xử theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo.
Đại biểu trần tình, trong trường hợp đó, cơ quan tố tụng chịu rủi ro về việc xử oan, phải bồi thường oan sai và cũng đứng trước việc bị dư luận lên án về việc gây oan sai, không kém gì áp lực về việc “nhẹ tay với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”. Đại biểu đề nghị, xây dựng quy trình tố tụng đặc biệt với loại tội phạm này thì cũng cần thực hiện “bảo hiểm oan sai” với người tiến hành tố tụng.
Quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan tố tụng
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng luật không vướng để xác định hành vi dâm ô trẻ em |
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) – uỷ viên Thường trực UB Quốc phòng – An ninh thì lại cho rằng, tội danh “dâm ô trẻ em” theo điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 do chính ông và cả chục đại biểu có mặt tại cuộc họp hôm nay cùng tham gia xây dựng. Khi đó “hành vi tình dục khác” đã được xác định là hành vi để thoả mãn nhu cầu tình dục của người thực hiện hành vi bằng cách không sử dụng bộ phận sinh dục.
Như vậy, theo ông Bộ, những vụ án dâm ô trẻ em như vụ cựu Phó Viện trưởng VKSND Đà Nẵng “nựng” cháu bé trong thang máy khiến dư luận bức xúc là vì các cơ quan để vụ việc bị kéo dài, không tiến hành các thủ tục tố tụng kịp thời chứ không phải vướng luật, không xử lý được.
Theo đó, trách nhiệm, đại biểu cho là thuộc người đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng. Cần giám sát chặt chẽ khâu này gắn với áp lực thời hạn tiến hành tố tụng. Câu trả lời sự việc tiến hành chất vấn đang triển khai thống kê.
Đại biểu Nguyễn Đức Sáu – Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia TPHCM lại bày tỏ đồng tình với những vấn đề UB Tư pháp nêu ra. Ông cho rằng, quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 về tội hiếp dâm có nêu dấu hiệu để xác định tội danh là hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác. Vậy nội dung này đã được phổ biến, tập huấn cho lực lượng tiến hành tố tụng đã đầy đủ tới cấp cơ sở?
“Thấy xác nữ giới có thương tích, quần áo bị lột bỏ thì rõ ràng cần khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi ngay ban đầu rồi mới giao cho gia đình mai táng chứ sao đã xong xuôi rồi lại khai quật lên? Quá gây bức xúc! Còn vụ Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy, rõ ràng ông này xô vào ôm hôn cháu bé tới 3 lần chứ không phải chỉ 1 lần mà gọi là “nựng” và rõ ràng cháu bé đã phản ứng, hoảng sợ, di chuyển từ góc ra phía cửa thang máy, chờ thang mở rồi bỏ chạy. Mà lúc đứng trước cửa thang máy rồi vẫn bị kéo, ôm ghì, hôn lần thứ 3” – đại biểu bức xúc bình luận.
Theo Dân trí