Khi nào xử lý vụ xâm hại bé gái trong thang máy?
(PetroTimes) - Những ngày qua, dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt đến các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, đỉnh điểm là vụ một cựu cán bộ ngành tư pháp có hành vi xâm hại một bé gái tại quận 4 - TP HCM. Mặc dù vẫn trong thời gian điều tra mà pháp luật quy định nhưng nhiều người cho rằng vụ án có dấu hiệu bao che, chờ dư luận lắng xuống để “chuyện nhỏ hóa không”.
Ngay khi vụ việc xảy ra, một loạt các cơ quan ngành tư pháp như Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em… đều có hành động và đưa ra thông báo bằng văn bản đề nghị khởi tố, xử lý nghiêm minh vụ việc nêu trên.
Hình ảnh cắt ra từ clip chứng minh hành vi xâm hại của nghi can Đoàn Hữu Linh |
Gần đây nhất, trong phiên họp Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã lên tiếng cảnh báo và đề nghị Quốc hội khẩn trương có giải pháp xử lý vụ việc điển hình cũng như có chuyên đề giám sát dành riêng cho tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.
Trong sáng nay (19/4), Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng đề nghị giải trình vụ dâm ô bé gái trong thang máy. Báo cáo tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, đã điểm danh và đề nghị các cơ quan hữu quan giải trình hàng loạt vụ án gây bức xúc liên quan đến hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em. Đáng chú ý có vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Viện phó VKS Đà Nẵng đã có hành vi ôm hôn, sàm sở bé gái trong thang máy của chung cư tại quận 4, TP HCM.
Một vụ việc khác cũng được đại diện Ủy ban Tư pháp điểm danh là vụ ông Đỗ Mạnh Hùng có hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy một chung cư tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, sau đó chỉ bị phạt hành chính 200.000 đồng.
"Cử tri cho rằng hành vi của ông Hùng thực chất là hành vi xâm hại tình dục, xâm hại thân thể nạn nhân chứ không còn là “cử chỉ”, vì vậy mức xử phạt trên không có tính răn đe, gây bức xúc dư luận", bà Nguyễn Thị Thủy nói.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình ý kiến của cử tri liên quan đến tính chính xác của việc quy định của pháp luật để xử lý hành vi trên và hướng đề xuất sửa đổi thời gian tới. Cụ thể, đề nghị Bộ Công an giải trình có hay không khoảng trống của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành liên quan đến các hành vi xâm hại tình dục.
Nắm bắt được tình trạng nghiêm trọng của vấn nạn này, cũng như khẳng định tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở TP HCM đáng báo động, trong 2 ngày vừa qua Đoàn công tác của HĐND TP HCM do bà Thi Thị Tuyết Nhung dẫn đầu đã có hai buổi giám sát tình hình triển khai thực hiện Luật trẻ em, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại quận 12 và Bình Tân.
Qua liên tiếp hai cuộc khảo sát khẩn, bà Thi Thị Tuyết Nhung trả lời phỏng vấn trên báo Thanh Niên khẳng định, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở TP HCM là đáng báo động. Đó là loại tội phạm rất là nguy hiểm, có nguy cơ bộc phát rất lớn. Cho nên điều quan tâm bây giờ là phải đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức phụ huynh, học sinh để bảo vệ con em mình.
Cái khó của những vụ việc xâm hại muốn khởi tố phải có chứng cứ theo đúng quy định, chứ chứng cứ yếu sẽ rất khó. Ở các vụ không thể khởi tố, quan điểm của viện kiểm sát rất rõ. Đó là việc khởi tố phải tuân theo quy định của Luật tố tụng.
Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh bị tố cáo xâm hại trẻ em tại quận 4, TP HCM, bà Tuyết Nhung cũng thẳng thắn: “Vụ ông Linh cần phải xử theo Luật tố tụng hình sự hoặc theo Luật trẻ em. Luật đã cấm người lạ không được ôm hay sờ mó em bé mà ở đây ông Linh ôm bé gái, hôn môi, sờ mó ở những vị trí nhạy cảm nhiều lần. Riêng việc đó đã đáng xử lý rồi. Quan điểm của tôi là xử lý hình sự được. Nếu không xử nghiêm vụ này thì cũng giống như vụ người đàn ông xâm hại, ôm hôn người phụ nữ trong thang máy ở Hà Nội mà chỉ bị phạt 200 ngàn đồng".
Như vậy là đã rõ, vụ việc "xâm hại bé gái trong thang máy tại quận 4", TP HCM sẽ sớm được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, đúng với nguyện vọng của nhân dân chứ không hề có dấu hiệu bao che hay xử nhẹ. Kể cả những vụ việc xử lý chưa hợp lý vẫn có thể điều tra lại, củng cố chứng cứ, điều chỉnh luật pháp để khẳng định sự nghiêm minh và lập lại kỷ cương xã hội.
Tùng Phong