Tạo sự thông thoáng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển
(PetroTimes) - So với quy mô của thị trường tín dụng ngân hàng, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước ta vẫn còn nhỏ. Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã đưa ra nhiều quy định mới được đánh giá đã tạo sự thông thoáng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.
Năm 2018, thị trường trái phiếu doanh ngiệp có sự tăng trưởng mạnh so với các năm trước cả về số lượng doanh nghiệp phát hành lẫn nhà đầu tư mua trái phiếu. Quy mô của thị trường tăng khoảng 53% so với năm 2017, đạt 8,6% GDP, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Quyết định 1191/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thực tế hiện nay các doanh nghiệp vẫn chủ yếu huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng |
Kết quả này được ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính lý giải là do tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, lạm phát thấp, nên các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu tài chính; các doanh nghiệp bất động sản tăng nhu cầu huy động vốn trái phiếu; các tổ chức tín dụng tăng huy động vốn trái phiếu nhằm tuân thủ các quy định về các giới hạn và tỷ lệ an toàn vốn. Trong khi đó, về phía cầu, có sự tham gia của các nhà đầu tư mới trên thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, một số doanh nghiệp bảo hiểm và quỹ đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung các doanh nghiệp vẫn chủ yếu huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng bởi thực tế chênh lệch giữa quy mô của thị trường tín dụng ngân hàng và quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất lớn.
Liên hệ về vấn đề này với các nước trên thế giới, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng Nguyễn Hoàng Dương cho hay, trên thế giới, đặc biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp các nước ASEAN+ 3 có sự phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn dài hạn cho nền kinh tế. Theo đó, để dịch chuyển các khoản vay tín dụng sang kênh trái phiếu, một số giải pháp được các nước thực hiện như: phát triển các định chế tài chính trung gian như quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân, tạo cầu đầu tư dài hạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua việc đơn giản hóa thủ tục và quy trình đầu tư, ban hành đầy đủ các công cụ phòng ngừa rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp cơ sở hạ tầng buộc phải huy động vốn qua thị trường trái phiếu.
Cùng với đó, theo ông Dương, ở nhiều nước đã phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn vốn theo thông lệ quốc tế (Basel II, Basel III), quy định nguồn huy động vốn tín dụng ngân hàng chỉ được sử dụng để cho vay vốn ngắn hạn; sử dụng chính sách thuế để khuyến khích dòng vốn dịch chuyển sang các sản phẩm tài chính dài hạn.
Như vậy, xuất phát từ thực trạng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay và kinh nghiệm quốc tế, ông Dương cho rằng, cần thiết phải có giải pháp để dịch chuyển dần các khoản vay tín dụng ngân hàng, nhất là các khoản vay trung và dài hạn sang kênh trái phiếu.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thời gian qua Việt Nam cũng đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới đánh giá tình hình triển khai Quyết định 1191/2017/QĐ-TTg để đề xuất các giải pháp chi tiết nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2019.
Mặt khác, Nghị định 163/2018/NĐ-CP ra đời đã đưa ra nhiều quy định mới để tạo sự thông thoáng cho sự phát triển trái phiếu doanh nghiệp. Theo thông tin tổng hợp từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau khi Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (1/2/2019 - PV), đến nay, đã có 5 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng khối lượng phát hành đạt 1.530 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 36 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với tổng khối lượng phát hành đạt 38.328 tỷ đồng.
Sửa Luật Chứng khoán: Nhiều doanh nghiệp sẽ "không có cửa" huy động vốn? |
Vốn hóa thị trường chứng khoán đạt gần 4 triệu tỷ đồng |
Phát hành gần 130 ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp |
Lê Minh