Vì sao Mỹ không ngừng chương trình máy bay chiến đấu F-35 đắt đỏ, nhiều “tai tiếng”?
Bất chấp các vấn đề kỹ thuật dai dẳng và vô số lần trì hoãn, quân đội Mỹ vẫn không có kế hoạch hủy dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35, chương trình vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử của Lầu Năm Góc.
Một máy bay F-35 của Mỹ (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ) |
Ngày 10/4, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản xác nhận một máy bay chiến đấu F-35 của họ đã gặp nạn ở vùng biển phía bắc Nhật Bản, sau khi nó mất tích vào tối ngày 9/4 trong khi đang huấn luyện.
Đây là vụ tai nạn thứ 2 liên quan tới máy bay F-35, sau vụ rơi máy bay F-35B ở bang Nam Carolina, Mỹ hồi tháng 9/2018, khiến quân đội Mỹ phải tạm cho ngừng bay toàn bộ phi đội F-35 trong một thời gian.
Nhưng cũng có các sự cố khác liên quan tới dòng máy bay đắt đỏ của Mỹ. Hồi tháng 6/2014, một chiếc F-35A của Không quân Mỹ đã bốc cháy trước khi cất cánh do sự cố động cơ. Vào tháng 6/2017, Không quân Mỹ cũng từng ngừng bay phi đội F-35A sau 5 sự cố, trong đó các phi công gặp phải tình trạng thiếu ô xy.
Dự án nhiều tai tiếng
F-35 là máy bay chiến đấu 1 ghế lái, 2 động cơ, tác chiến hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết. F-35 có tốc độ gần 2.000 km/h, có khả năng mang tên lửa không đối không và bom dẫn đường bằng lazer với tầm hoạt động khoảng 2.100 km và có thể đánh lừa hệ thống radar của đối phương.
Điểm mạnh của F-35 là sự kết hợp hoàn hảo giữa hệ thống vũ khí tầm xa, cảm biến hiện đại, kỹ thuật tàng hình và hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh. Ngoài chế độ tàng hình, nó còn có khả năng mang theo 10 tấn vũ khí, điều mà chưa tiêm kích đa năng nào của Nga và Trung Quốc có được.
Năm 1997, tập đoàn Lockheed Martin được lựa chọn để thiết kế và chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II. F-35 từng được kỳ vọng là một kỳ tích công nghệ và có thể thống trị bầu trời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chương trình sản xuất máy bay này cho đến nay vẫn vấp phải hết trở ngại kỹ thuật này đến trở ngại khác.
Một báo gần đây của Tổ chức Dự án Giám sát Chính phủ Mỹ (POGO) đã chỉ ra hàng loạt vấn đề của máy bay này. Trong số những vấn đề đó có lỗi hệ thống máy tính tác chiến, dễ bị tổn thương bởi các cuộc tấn công mạng hay vấn đề với tính chính xác của hệ thống pháo.
Cũng theo POGO, đội ngũ quan chức phụ trách phát triển F-35 thậm chí tìm cách che giấu những điểm yếu "chết người" của dòng máy bay này thay vì khắc phục chúng.
“Các quan chức phụ trách phát triển F-35 đang làm lại giấy tờ nhằm phân loại lại các lỗi thiết kế có thể gây nguy hiểm tính mạng cho phi công, khiến chúng trở nên ít nghiêm trọng hơn. Đây có thể là nỗ lực nhằm ngăn không cho chương trình trị giá 1,5 nghìn tỷ USD này bị sụp đổ sau nhiều lần bị chậm tiến độ và đội vốn”, PODO cho biết trong một báo cáo điều tra công bố hồi cuối tháng 8 năm ngoái.
Dan Grazier, một cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Mỹ và hiện làm việc tại POGO, cảnh báo chương trình phát triển F-35 sẽ còn tiếp tục vấp phải nhiều vấn đề nữa.
Dự án “quá lớn để hủy bỏ”
Qua thời gian, chương trình chế tạo loại máy bay này đã trở thành một trong những chương trình sản xuất vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử của Mỹ, song lại gặp nhiều rắc rối về vấn đề kỹ thuật khiến nó chưa thể sẵn sàng 100% cho thực chiến.
Theo tạp chí National Interest, tính đến cuối năm 2018, chi phí cho chương trình này ước tính đã vượt 400 tỷ USD, trong khi chi phí trọn đời cho dự án dự kiến khoảng 1,5 nghìn tỷ USD. Ban đầu, chi phí cho một chiếc F-35 ước tính chỉ khoảng 38 triệu USD, song hiện tại nó đã bị đội giá lên gần 160 triệu USD.
Sau hai thập niên kể từ khi dự án F-35 khởi động, giới chức Mỹ cho rằng việc hủy bỏ chương trình “hao tiền, tốn của” này là không thể khi F-35 được kỳ vọng trở thành xương sống của phi đội máy bay chiến đấu Mỹ trong tương lai.
Dự án đã phát triển "quá lớn tới nỗi không được phép thất bại", Gordon Adams, giáo sư tại Đại học Mỹ và từng là quan chức Nhà Trắng, nhận định.
Ngoài ra, một trong những lý do khiến chương trình phát triển F-35 tiếp tục “sống khỏe” sau hàng loạt vấn đề được cho là mối liên hệ đến nền kinh tế. Lockheed Martin cho biết, chương trình F-35 trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra 194.000 việc làm cho nền kinh tế Mỹ.
Theo Dân trí
Nhật Bản xác nhận tiêm kích F-35 rơi ở Thái Bình Dương |
Nhật Bản đình chỉ bay toàn bộ phi đội F-35A sau vụ máy bay mất tích |
Máy bay chiến đấu F-35A của Nhật Bản biến mất khỏi radar |