Giả thuyết ban đầu về nguyên nhân máy bay F-35A của Nhật Bản gặp nạn
Vụ việc máy bay chiến đấu tàng hình F-35A của Nhật Bản rơi xuống biển trong khi đang diễn tập đã làm dấy lên những nghi vấn và giả thuyết liên quan tới nguyên nhân máy bay này gặp nạn.
Máy bay chiến đấu F-35 (Ảnh: National Interest) |
Vào lúc 19h27 ngày 9/4, máy bay chiến đấu F-35A thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản mất liên lạc ở khu vực cách căn cứ không quân Misawa, Aomori 135 km về phía đông. Hiện Tokyo đã tìm thấy một số mảnh vỡ của máy bay gặp nạn nhưng tung tích phi công vẫn chưa thể xác định.
CNN dẫn lời các quan chức quốc phòng Tokyo cho biết trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, phi công điều khiển đã ra tín hiệu yêu cầu ngừng diễn tập.
Các tàu và máy bay của cả Nhật Bản và Mỹ, bao gồm cả tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Washington đang được huy động để tìm kiếm cứu nạn. Thông tin ban đầu cho biết phi công ngoài 40 tuổi và đã có hơn 3.200 giờ bay.
Theo The Diplomat, phi đội F-35A đầu tiên của Nhật Bản vừa mới đi vào hoạt động chỉ 11 ngày trước đó với 13 “chim sắt” thuộc biên chế phi đội 302 đóng tại căn cứ Misawa. Ngoài chiếc bị rơi, 12 chiếc F-35A còn lại đang bị cấm bay cho tới khi nguyên nhân vụ rơi ngày 9/4 được xác định.
Theo ông Carl Schuster, cựu quân nhân hải quân Mỹ, giáo sư đại học Hawaii Pacific (Mỹ) cho rằng những thông tin ban đầu cho thấy dường như hệ thống của chiếc F-35A đã trục trặc. Chuyên gia này cho rằng nếu như thông tin trên là sự thật thì đây là điều rất đáng quan ngại vì có điều gì đó trong quá trình sản xuất đã bị bỏ sót.
Chuyên gia này nhận định việc kiểm soát kỹ thuật với F-35A được Mỹ thực hiện rất kỹ lưỡng và đòi hỏi rất cao. Trong khi hầu hết các máy bay F-35 đều được sản xuất ở Mỹ, thì chiếc gặp nạn hôm 9/4 là chiếc đầu tiên được Nhật Bản lắp ráp và xuất xưởng ở dây chuyền của họ tại Nagoya.
Ông Peter Layton, cựu quân nhân không quân Australia, chuyên gia tại viện Griffith Asia, cho biết dây chuyền lắp ráp của Nhật Bản có thể sẽ là một trong những nơi đầu tiên có thể đưa ra câu trả lời cho nguyên nhân chiếc F-35A gặp nạn.
“Có hàng trăm chiếc F-35 bay trên khắp thế giới. Điều này cho thấy vấn đề dường như không nằm ở thiết kế chung của dòng máy bay”, ông Layton đưa ra giả thuyết vụ tai nạn có thể liên quan tới dây chuyền Nhật Bản.
Theo ông Layton, việc phi công phát chỉ yêu cầu dừng diễn tập nhưng không phát đi thông báo khẩn cấp cho thấy có thể có thiết bị nào đó gặp trục trặc, ví dụ như hệ thống dây cáp.
“Phi công dường như cho rằng mình vẫn đang kiểm soát được tình hình và không gặp nguy hiểm. Anh ta có thể đã lao xuống biển khi đang tìm cách xử lý sự cố”, ông Layton cho hay.
F-35A là máy bay F-35 thứ 2 bị rơi sau vụ tai nạn của máy bay F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ ở South Carolina năm ngoái.
Mỹ đã phát triển F-35 thành 3 biến thể khác nhau, trong đó F-35A dành cho không quân, F-35C cho hải quân, và F-35B dành cho thủy quân lục chiến. F-35 được coi là niềm hy vọng cho tương lai của quân đội Mỹ với thiết kế tối tân, mạnh mẽ.
F-35 cũng là một máy bay chiến đấu gây tranh cãi vì thời gian phát triển lâu hơn dự kiến cũng như các lỗi kỹ thuật từ đơn giản tới nghiêm trọng đã phát sinh khiến cho dự án bị đội chi phí lên rất cao, biến nó trở thành máy bay chiến đấu đắt đỏ nhất thế giới.
Theo Dân trí
Nhật Bản xác nhận tiêm kích F-35 rơi ở Thái Bình Dương |
Nhật Bản đình chỉ bay toàn bộ phi đội F-35A sau vụ máy bay mất tích |
Máy bay chiến đấu F-35A của Nhật Bản biến mất khỏi radar |