Sản xuất lương thực thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu
(PetroTimes) - Ngày 10/4 tại Hà Nội, Trung tâm Khoai tây quốc tế (CIP) và Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phối hợp Chương trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực Đông Nam Á tổ chức Diễn đàn chính sách khu vực “Cơ hội cho hệ thống sản xuất lương thực thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều kết quả cả về tăng trưởng và xuất khẩu. Nông sản của Việt Nam đã có mặt tại 180 nước trên thế giới; trong đó có 10 ngành hàng xuất khẩu 1 tỷ USD/năm, riêng lĩnh vực trồng trọt có 7 ngành hàng.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hội nhập mang lại nhiều cơ hội với việc có thêm nhiều thị trường hơn và tiếp cận các công nghệ hiện đại. Hội nhập cũng đặt ra những thách thức trong cạnh tranh trên thị trường nông sản xuất khẩu.
Giải quyết những khó khăn về xuất phát điểm thấp cả về trình độ canh tác và công nghệ và nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, Việt Nam đã đưa ra nhiều chương trình và chính sách thu hút mọi nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Qua 6 năm triển khai "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững" đã có những kết quả bước đầu tích cực. Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm khoảng 40.000 ha để chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Nhưng sản lượng lúa vẫn giữ được do tăng năng suất và đặc biệt chất lượng giống lúa được cải thiện rõ rệt.
Toàn cảnh diễn đàn |
Để giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cần có sự chung sức của các quốc gia. Ngoài nội lực của ngành nông nghiệp rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Các nước và các tổ chức quốc tế đã và đang giúp Việt Nam giảm bớt tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu để tiếp tục phát triển nông nghiệp, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong việc khắc phục những hạn chế này để vươn lên và phát triển.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh mong muốn, các tổ chức quốc tế tiếp tục làm "nòng cốt" kết hợp với các cơ quan Việt Nam và các địa phương có nhiều chương trình cụ thể hơn ở thực địa để đóng góp hơn nữa trong cuộc chiến cam go và lâu dài này của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra các nhóm giải pháp thay đổi phương thức từ sản xuất lương thực, thực phẩm cho đến khâu chế biến và tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu như: chia sẻ về “Cơ hội và thách thức đối với hệ thống lương thực thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu: Kinh nghiệm từ Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long”; các cơ hội thách thức của thành phần tư nhân trong thích ứng biến đổi khí hậu; lợi ích của việc mở rộng thỏa thuận “Hạt giống không biên giới” đối với Việt Nam…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ấn Độ Ashwini Kumar |
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ấn Độ Ashwini Kumar chia sẻ, trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua Ấn Độ đang hợp tác với 7 nước trong khu vực châu Á; trong đó Myanmar, Campuchia đã tiếp nhận những giống mới của Ấn Độ. Ấn Độ có những mô hình giống có thể chia sẻ với Việt Nam. Ấn Độ cũng đang nỗ lực để thúc đẩy hơn nữa việc nhân giống và tạo thuận lợi cho nông dân tiếp cận với giống tốt. Ấn Độ nỗ lực hướng tới những sản phẩm có những loại giống mới chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Samarendu Monhaty, Giám đốc CIP khu vực châu Á chia sẻ tại diễn đàn |
Theo ông Samarendu Monhaty, Giám đốc CIP khu vực châu Á: “Để chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) liên quan đến các vấn đề nghèo đói, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực bảo đảm dinh dưỡng vào nằm 2030, thì chúng ta phải thay đổi cách nhận thức từ sản xuất lương thực thực phẩm cho đến khâu chế biến và tiêu thụ”.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là những vấn đề cấp bách cần giải quyết, ông Samarendu Monhaty cũng cho rằng, làm thế nào để tăng năng suất nông nghiệp, tăng cường an ninh lương thực cũng như bảo đảm dinh dưỡng đồng thời nâng cao thu nhập của nông dân để giúp cộng đồng nông thôn thoát khỏi nạn đói nghèo trong điều kiện khí hậu đang thay đổi; và làm sao để xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu và giảm khí thải nhà kính cũng như các tác động môi trường nông nghiệp khác.
Nguyễn Hoan