Thuế kinh doanh online và pháp lý thời đại số
Sự lúng túng trong thu thuế kinh doanh online cho thấy chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, nhất là vấn đề pháp lý trong thời đại số.
Dù muốn hay không, luật pháp buộc phải tiệm cận nhất với thực tiễn, môi trường kinh doanh là một ví dụ, nền tảng 4.0 không thể áp dụng pháp luật như hiện nay, ít ra với lĩnh vực kinh doanh online.
Ít ai nghĩ rằng một “mô hình” quái dị như Khá Bảnh có thể kiếm được 400 triệu đồng mỗi tháng từ YouTube. Hiện tượng này không chỉ đặt ra vấn đề quản lý văn hóa phẩm độc hại mà còn liên quan đến một lĩnh nóng bỏng vực khác là thuế kinh doanh online.
Mỹ - nền công nghệ số một vẫn lúng túng với loại thuế này. Năm 2017, các thượng nghị sĩ Enzi, Durbin, Alexander và Heitkamp đã trình Quốc hội Mỹ bản dự luật mang tên “Marketplace Fairness Act of 2017” theo đó mở đường cho các chính quyền địa phương được thu thuế nơi người kinh doanh trên mạng theo tinh thần một đạo luật đã được Thượng viện thông qua hồi năm 2013.
Thuế kinh doanh online là bài toán nhức đầu với cơ quan chức năng |
Theo ước tính nền kinh tế Mỹ thiệt hại mỗi năm 26 tỷ USD vì không thu được thuế của những người kinh doanh online. Ở nước ta chưa ai thống kê xem thử con số là bao nhiêu, nhưng hẳn là không ít!
Mức tăng trưởng nhanh chóng mỗi năm, dung lượng thị trường có thể đạt 10 tỷ USD trong vài năm tới. Kinh doanh trực tuyến trở thành xu thế ở nước ta khi mạng xã hội trở nên phổ biến, chuyên nghiệp hơn đó là sàn giao dịch thương mại điện tử được tổ chức quy củ như Alibaba, Amazone, Lazada, Tiki, Sendo…
Bản chất của kinh doanh trực tuyến không khác gì kinh doanh truyền thống, nhưng phương thức thực hiện hoàn toàn khác, buộc nhà quản lý phải áp dụng công cụ phù hợp.
Một trong những vấn đề làm đau đầu cơ quan quản lý là thuế. Làm sao để ngăn chặn tình trạng trốn thuế; đảm bảo sự công bằng; làm sao để những người kinh doanh qua mạng không “đứng” ngoài luật pháp; để quản lý bắt kịp xu thế thương mại điện tử sẽ thay thế thương mại truyền thống trong nay mai.
Hành vi gian lận thương mại điện tử có xu hướng gia tăng, ngoài trốn thuế là bán hàng giả, hàng kém chất lượng, tha hồ quảng cáo mà không cần xin phép. Đơn cử như năm 2015, có hơn 14 nghìn vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bị xử lý nhưng có không nhiều cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.
Không quá khó để phát hiện tài khoản mạng xã hội kinh doanh online nhưng để quản lý được địa chỉ, nhân thân, cơ quan thuế phải bắt tay với nhà cung cấp dịch vụ, nhưng buộc nhà cung cấp dịch vụ phải đối mặt với cáo buộc tiết lộ thông tin người dùng. Đó là điều cực kỳ nhạy cảm.
Nếu không thể quản lý được “lý lịch” người kinh doanh online thì không thể nào thu được thuế, thậm chí người kinh doanh cứ thoắt ẩn thoắt hiện trên mạng xã hội, khi có động thì khóa tài khoản trốn biệt.
Cũng cần xem xét trốn thuế kinh doanh online là một dạng tội phạm công nghệ cao, tồn tại theo xu thế phát triển của thương mại toàn cầu nên không thể “đánh tỉa” từng trường hợp.
Trung Quốc - thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, đã ban hành Luật Thương mại điện tử hồi năm ngoái. Chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, văn hóa, con người, phong cách, xu hướng mua sắm rất tương đồng với Việt Nam.
Trốn thuế chỉ là một trong vô vàn biểu hiện của “lùn” văn hóa kinh doanh ở nước ta. Việc Cục thuế TPHCM gửi tin nhắn yêu cầu người kinh doanh online tự truy cập kê khai thuế là biện pháp quá “lãng mạn”, cách làm chiếu lệ, cho có…
Làm sao để người kinh doanh online tự giác đăng ký hoạt động, căn cứ nào xác minh thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Khi mà quy mô kinh doanh rất khó xác định, nhiều tài khoản không hoạt động thường xuyên.
Chưa thể quản lý được cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ thì làm sao “biết” được mức độ tinh vi của những đế chế kinh doanh online có kinh nghiệm toàn cầu sừng sỏ? Hay nói rộng hơn là khả năng lập pháp trên không gian ảo khi nơi nơi đều nhắc đến 4.0!
Theo Diễn đàn doanh nghiệp