"Phải xác định sống chung với dịch tả lợn châu Phi"
(PetroTimes) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra tại 23 tỉnh thành phố đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi lợn và chúng ta phải xác định sống chung với nó. Do hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Thực phẩm cho trường học cần có sự giám sát thường xuyên của phụ huynh |
An toàn sinh học trong chăn nuôi: Báo động đỏ! |
Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp an toàn sinh học |
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2019 diễn ra sáng nay, theo Bộ NN&PTNT, 3 tháng đầu năm 2019, toàn ngành NN&PTNT đã vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất của toàn ngành quý I ước đạt 2,69% so với quý I/2018; trong đó nông nghiệp tăng 1,93%, lâm nghiệp tăng 4,32% và thủy sản tăng 5,24%. GDP ngành nông nghiệp trong quý I ước đạt khoảng 2,68%; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,84%, ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, thuỷ sản tăng 5,1%.
Tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi |
Trong quý I, khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn châu Phi là tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán một số nơi ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm giá.
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố; tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 73.000 con. Diễn biến phức tạp của dịch đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi lợn.
Tuy nhiên trong quý I, nhờ sự tăng đàn từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 nên đàn lợn vẫn tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, với nỗ lực chống dịch không kể ngày đêm, hiện đã có 3 ổ dịch (xã Đức Hợp, huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên; phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội và xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đã qua hơn 30 ngày vẫn chưa phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện để công bố hết dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Do đó, biện pháp duy nhất để phòng, chống dịch bệnh này là thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chính vì vậy, chúng ta phải xác định sống chung với dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh này không lây lan bệnh sang người, nên những sản phẩm thịt lợn an toàn trên thị trường chúng ta hoàn toàn yên tâm sử dụng".
Nguyễn Hưng