Cần hàng chục tỷ USD để làm sạch bom mìn tại Việt Nam
(PetroTimes) - Để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh Việt Nam, cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn.
Sáng 2/4, hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (4/4), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và các cơ quan liên quan tổ chức họp báo thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia khắc phục bom mìn tại Việt Nam thời gian qua.
Toàn cảnh họp báo về công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam của Bộ LĐ-TB&XH. |
Theo thông tin được đưa ra tại họp báo, bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hằng ngày đối với nhiều người dân. Tại Việt Nam, theo thống kê hiện nay, diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ vẫn còn rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại địa bàn một số tỉnh miền Trung.
Từ sau năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người tử vong, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng đất bị ô nhiễm, tập trung những địa bàn tỉnh, thành có diện tích ô nhiễm cao như: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, đồng bằng sông Cửu Long… Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh Việt Nam, cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn. Vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn để sau vài chục năm nữa có thể giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đó là nhiệm vụ của Chính phủ, cũng như trăn trở của hơn 90 triệu người dân Việt Nam và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế”.
Theo ông, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Chương trình 701 nhằm thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tạo ra động lực thực sự để đạt được mục tiêu của chương trình. Trong đó, cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trong nước và quốc tế tạo sự ủng hộ đóng góp vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, vận động thu hút tài trợ ODA, tài trợ không hoàn lại, tài trợ nhân đạo cho thực hiện chương trình.
Mặt khác, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các địa phương với tầm nhìn xa hơn, thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn để tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương điều phối năng lực triển khai Chương trình 701, thu hút sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài trợ quốc tế đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Tùng Phong