Những loại thực phẩm tốt cho người bệnh mạch vành
(PetroTimes) - Bệnh mạch vành là tình trạng động mạch không còn mềm mại và đàn hồi mà trở nên hẹp và cứng hơn do có các mảng bám như cholesterol và các chất khác bám trên thành. Sự tích tụ này được gọi là chứng xơ vữa động mạch.
Bệnh mạch vành khiến máu khó lưu thông qua các động mạch. Hệ quả là cơ tim không thể nhận đủ máu hoặc oxy cần thiết, dẫn đến đau ngực (đau thắt ngực) hoặc đau tim. Hầu hết các cơn đau tim xảy ra khi một cục máu đông đột ngột cắt đứt nguồn cung cấp máu của tim, gây tổn thương tim vĩnh viễn.
Điều quan trọng nhất trong chế độ ăn cho người bị bệnh mạch vành là tăng cường chất béo có lợi, chất béo không bão hòa, cung cấp nhiều chất chống oxy hóa và giảm viêm, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim và tăng khả năng đề kháng.
Chất béo có lợi, giảm cholesterol
Chất béo có lợi là các loại chất béo không bão hòa giúp làm giảm cholesterol xấu trong máu, giảm huyết áp và hạn chế xơ vữa mạch.
Các loại chất béo này có nhiều trong dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng, dầu hướng dương; quả óc chó, hạnh nhân; các loại hạt họ đậu; các loại cá chứa nhiều omega-3: cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu, cá trích…
Đặc biệt, trong các chế phẩm từ đậu nành, hạt hướng dương, hạt vừng, hạt bí còn chứa chất Phytroestrogen làm tăng sự giãn nở hoặc mở rộng các động mạch hẹp, giúp cải thiện dòng chảy của máu, điều hòa huyết áp.
Thường xuyên tiêu thụ acid béo omega-3 không chỉ giúp ngăn ngừa sự kết dính các tiểu cầu mà còn làm giảm sinh ra hợp chất leukotrienes (gây viêm nhiễm), nguyên nhân làm tổn hại thành mạch máu. Acid béo omega -3 cũng ức chế sản xuất chất béo thromboxane (chất tạo ra tiểu cầu làm đông máu).
Chất chống oxy hóa, giảm viêm
Viêm là nguyên nhân sâu xa kích thích cholesterol lắng đọng lại trên thành mạch, tạo nên mảng xơ vữa gây tắc hẹp mạch vành. Vì vậy, chế độ ăn cung cấp nhiều chất xơ và vitamin cũng được khuyến khích với người bệnh mạch vành, giúp tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch, giảm tình trạng viêm.
Rau củ thường chứa nhiều chất xơ: củ cải đường, cà rốt, rau cải, bông cải xanh, súp lơ, cải xoăn, rau lá xanh, hành tây, đậu hà lan, rau xà lách, nấm. Cam quýt, bưởi, măng cụt, thanh long, kiwi, ổi, táo, lựu, dâu tây, việt quất là những loại trái cây chứa nhiều vitamin. Ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, gạo lứt, lúa mì, ngô cũng giúp làm giảm lượng cholesterol.
Gia vị làm thông thoáng động mạch vành
Với người bệnh mạch vành có kèm tăng huyết áp, một chế độ ăn giảm muối sẽ giúp kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa chất lỏng tích tụ trong cơ thể.
Tăng sử dụng các loại gia vị như tỏi, bột nghệ hay gia vị tạo hương như bột quế, bột sả, bột húng quế... khi chế biến không chỉ mang lại hương vị cho các món ăn mà chúng còn giúp giãn mạch và ức chế mạnh quá trình viêm, từ đó giữ cho mạch máu thông thoáng.
Bên cạnh đó, nho khô, nho tươi, quả chà là, việt quất, quế, dâu tây, cam, chanh, bưởi, gừng, nghệ, tỏi, ớt hay hành tây rất giàu salicylate, một hóa chất có tác dụng ngăn chặn các tiểu cầu kết dính và làm chậm quá trình hình thành cục máu đông.
Lưu ý: Với những người đang sử dụng thuốc chống đông máu cần thận trọng khi sử dụng các thực phẩm giàu vitamin K vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc, đặc biệt là các loại rau có lá màu xanh thẫm như: hành tươi, cải bắp, rau mùi tây, rau chân vịt, rau cải xoong, súp lơ, rau diếp...
Hà Ly (t/h)
Thực phẩm giúp lấy lại cân bằng cho gan nhiễm mỡ | |
Chế độ ăn uống hợp lý cho bà bầu những tháng cuối thai kỳ | |
Thực phẩm giúp phòng ngừa bệnh máu nhiễm mỡ | |
Những sai lầm khi ăn sáng gây hại cho sức khỏe |