Bệnh sán lợn và nỗi sợ mang tên niềm tin!
(PetroTimes) - Hình ảnh giữa đêm mưa rét, hàng trăm người lớn, trẻ nhỏ 3 - 4 tuổi co ro xếp hàng tại cổng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương chờ lấy số xét nghiệm sán lợn khiến không ít người phải cay mắt khi chứng kiến hay xem quá báo, đài. Người dân đang sợ con sán?
“Lòng tôi như lửa đốt”
Rõ ràng, đại diện Bộ Y tế đã khẳng định việc điều trị sán lợn không khó khăn, thuốc không đắt. Nếu nhiễm sán, chỉ cần uống một liều thuốc duy nhất là có thể diệt. Nếu nổi ấu trùng dưới da thì quá trình điều trị có thể kéo dài hơn, nhưng đều có thuốc.
Người dân xếp hàng trong đêm chờ lấy số xét nghiệm sán lợn |
Rồi Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng lên tiếng cho rằng: “Tôi khẳng định không chỉ có trẻ nhỏ nhiễm sán, kể cả người lớn cũng bị và không chỉ riêng Bắc Ninh và rất nhiều tỉnh cũng ghi nhận bệnh giun sán, kí sinh trùng đường ruột. Và cũng không chỉ riêng Việt Nam, rất nhiều nước như Thái Lan, Indonesia... cũng mắc”.
Dù lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã lên tiếng trấn an và hứa sẽ xử lý vụ việc đến cùng, dù Bệnh viện đa khoa của tỉnh thông báo xét nghiệm miễn phí nhưng đồng loạt phụ huynh vẫn vượt tuyến để đưa con đi khám, chấp nhận đường xa mưa gió, vạ vật đêm hôm.
Một phụ huynh ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh xếp hàng chờ tới lượt xét nghiệm cho con mệt mỏi nói: "Mấy ngày này lòng tôi nóng như lửa đốt. Tôi có nghe người ta nói sẽ xét nghiệm miễn phí ở Bắc Ninh nhưng chờ mãi không có thông báo gì. Thực sự chúng tôi không thể chờ đợi thêm được nữa".
Nỗi lo sợ của người phụ nữ này cũng là nỗi sợ chung của hàng trăm phụ huynh và con em đang đang dầm giữa mưa lạnh xếp hàng chờ tới lượt khám. Và nỗi sợ ấy dường như không còn là nỗi sợ về căn bệnh sán lợn nữa mà về một lòng tin đã bị đánh mất. Họ cảm thấy con em mình không còn được an toàn, không thể tin vào đâu khi mà trường học, nơi gửi gắm con em mình mỗi ngày, lại đang làm tổn thương niềm tin của họ.
Không chỉ ở Bắc Ninh mà ngay tại Hà Nội, các bậc phụ huynh cũng như ngồi trên đống lửa. Con em mình thì sao? Chúng đã ăn gì ở trường học? Liệu có sự bắt tay giữa nhà trường với công ty cung cấp thực phẩm không? Thậm chí có trường yêu cầu hiệu trưởng phải xuống dùng bữa cùng các con để chứng tỏ độ an toàn của thức ăn thì nhiều người vẫn nghi vấn, liệu lãnh đạo nhà trường có ăn món như các con không hay chỉ ngồi để làm hình ảnh?
Rồi một làn sóng "tẩy chay" thịt lợn tại các trường học trở nên mạnh mẽ. Hàng loạt các trường có học sinh bán trú ăn cơm tại trường, dưới sức ép của phụ huynh đều gửi thông báo và cam kết rút hoàn toàn món thịt lợn ra khỏi thực đơn. Mặc dù, những công ty cung cấp thực phẩm ra sức chứng minh, cam kết có đủ giấy tờ công nhận về tiêu chuẩn an toàn của nguồn thịt, mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội đã nhắc nhở, yêu cầu các trường không "tẩy chay" thịt lợn nhưng nhà trường vẫn không thể nào chấp hành trước sự phản đối quyết liệt của phụ huynh.
Hộ chăn nuôi khốn đốn
Một đơn vị chuyên cung cấp thức ăn, trong đó có thịt lợn cho các trường học chia sẻ: “Thời gian qua khi thông tin về dịch tả lợn châu Phi lan tràn trên các mạng xã hội, nhiều trường học đã hạn chế lượng thịt lợn hơn so với thường ngày. Nhưng sau vụ học sinh nhiễm sán lợn thì gần như các trường đua nhau gửi thông báo cho công ty yêu cầu tạm ngừng cung cấp loại thực phẩm này. Chúng tôi không bán được hàng đã đành nhưng nhiều lò mổ và hộ chăn nuôi điêu đứng mặc dù lợn của họ đã được kiểm dịch, lò mổ cũng thường xuyên bị kiểm tra”.
Nhiều người dân dè chừng hơn với thịt lợn |
Thông tin dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã khiến dư luận hết sức hoang mang. PGT.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người nên người dân nên bình tĩnh và không nên tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị dịch bệnh và chế biến hợp vệ sinh. Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Do vậy, người có bị phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.
Thế nhưng tâm lý lo lắng vẫn bủa vây người dân. Bởi lẽ quá nhiều vụ việc thức ăn bẩn bị phát hiện tại các trường học đều do các công ty thực phẩm sạch có giấy chứng nhận cung cấp. Thức ăn tại các siêu thị mặc dù dán giấy kiểm dịch nhưng người ta vẫn tặc lưỡi “nhịn ăn mấy hôm cho chắc”.
Những ngày qua thông tin bất lợi cho ngành chăn nuôi liên tục ập đến khiến không chỉ làm thiệt hại cho những hộ chăn nuôi có lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy mà còn gây thiệt hại cho bộ phận lớn các hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, các lò giết mổ được kiểm duyệt, các tiểu thương buôn bán thực phẩm tại các khu chợ phải chuyển sang bán loại hàng khác. Thiệt hại kinh tế chắc chắn không hề nhỏ. Thế nhưng, kinh tế có thể bù đắp nhưng mất mát niềm tin thì khó có thể lấy lại trong một sớm một chiều. Đấy cũng là bài học cho những kẻ làm ăn gian dối, vô trách nhiệm trước sức khỏe đồng loại và cũng là bài học cho những người luôn xem mạng xã hội là một trò đùa.
Dư luận xôn xao suốt cả tuần qua bắt đầu từ một vụ việc xảy ra vào cuối tháng hai, một số phụ huynh phát hiện thịt lợn nổi đầy hạch trắng trong bữa ăn tại trường mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh). Sau đó, phụ huynh đưa con đi khám và có kết quả dương tính với sán. Vụ việc đã được phát tán lên mạng xã hội và ngay tức khắc thu hút được sự quan tâm của cả cộng đồng mạng. Và cũng từ đây nỗi lo sợ lan tràn khắp nơi. Công ty TNHH Tài chính Hương Thành là đơn vị cung cấp thức ăn cho trường mầm non Thanh Khương đồng thời cung cấp thực phẩm cho hầu hết trường mầm non và tiểu học ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Thống kê có 9.500 học sinh ở 19 trường mầm non và hai trường tiểu học dùng thực phẩm của doanh nghiệp này. Tính đến tối 17/3, khoảng 1.700 trẻ ở Thuận Thành, Bắc Ninh đã được gia đình đưa đi xét nghiệm sán lợn và số ca dương tính là 209 trường hợp. 300 trường hợp nữa vẫn đang chờ kết quả. Một con số khiến ai làm cha làm mẹ cũng phải giật mình lo sợ. |
Lê Minh