Doanh thu tỉ USD từ thương mại điện tử và những bất cập
(PetroTimes) - Được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới về thương mại điện tử, mỗi năm Việt Nam tăng trưởng bình quân 35%, nhanh hơn Nhật Bản 2,5 lần. Với đà phát triển mạnh mẽ này, nhiều ý kiến cho rằng tới năm 2020 doanh thu bán lẻ của lĩnh vực thương mại có thể đạt từ 13-15 tỷ USD.
Nhận định về tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh thu bán lẻ từ lĩnh vực thương mại điện tử trong năm 2018 đạt 8 tỷ USD, tăng so với mức dự báo 7 tỷ USD trước đây. Vì vậy, doanh thu bán lẻ năm 2020 có thể sẽ khả quan hơn rất nhiều con số dự kiến bởi mức dự báo này đưa ra cho thương mại điện tử trước đó chỉ ở mức 10 tỷ USD.
Giao dịch điện tử đang trở thành trào lưu mới tại Việt Nam. |
Việc các doanh nghiệp Việt “rủ nhau” lên “sàn" thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi, tham gia thương mại điện tử đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tiết giảm được chi phí, nhân công và nhất là doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc liên tục thay đổi và thích ứng.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp phát triển nhanh và mạnh trong lĩnh vực này, doanh nghiệp cần tiếp cận và trải nghiệm các dịch vụ, giải pháp bán hàng trực tuyến như kinh doanh Omni - channel, sử dụng ứng dụng chatbot trả lời khách hàng, sử dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm…
Báo cáo thị trường mua sắm trực tuyến năm 2018 do Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me thực hiện cho thấy, Shopee đã vươn lên chiếm 35% thị trường, dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Đến nay, Shopee có hơn 700 thương hiệu hàng đầu và nhà bán hàng hoạt động, mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn hàng hóa với giá ưu đãi nhất.
Ông Lê Anh Huy - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sendo cho biết, Sendo đã thành công vượt bật trong năm 2018 với mức tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2017 và phục vụ hơn 10 triệu khách hàng trên khắp cả nước. Một điểm đáng ghi nhận là có đến 80% khách mua hàng bằng ứng dụng Sendo được hưởng điều kiện tốt để phát triển thương mại di động.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, rào cản nên rất khó để có thể tăng tốc, bắt nhịp nhanh chóng cùng thế giới. Bởi, Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều thách thức liên quan đến vấn đề pháp lý, kỹ năng phát triển thương mại điện tử, nhiều rào cản về niềm tin, quyền bảo mật của các bên tham gia.
Mặt khác, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam chưa có sự phát triển đồng đều và thống nhất. Trong khi tại các thành phố lớn khá phát triển nhưng việc hỗ trợ thương mại điện tử tại các địa phương còn kém, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Hơn nữa, hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như hạ tầng hóa đơn và chứng từ điện tử, thanh toán, logistics hiện đang phát triển ở các mức độ khác nhau, thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối. Thế hệ trẻ người Việt đã không còn thỏa mãn với việc đặt hàng bằng điện thoại di động mà còn kỳ vọng được nhận hàng nhanh hơn nên thương mại điện tử nhất thiết phải thay đổi "cuộc chơi" của logistics.
Tuy nhiên, trở ngại lớn liên quan đến logistics cho thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay là hành lang pháp lý và thủ tục hành chính. Do vậy, để giải quyết các vấn đề và thúc đẩy sự phát triển của hoạt động logistics phù hợp với kinh tế số, theo các chuyên gia cần thành lập mới cơ quan quản lý nhà nước hoặc giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động này cho một bộ, ngành cụ thể.
Bên cạnh đó, nên luật hóa việc chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, luật hóa nền tảng công nghệ thông tin bằng điều kiện kinh doanh… Nhà nước cũng nên xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất công nghiệp tại nội đô các thành phố sang cho doanh nghiệp logistics để quy hoạch thành các trung tâm khu vực, tạo lợi thế đồng bộ cho hệ thống logistics.
Vì thế, hạ tầng pháp lý cho thương mại điện tử cần được liên tục cập nhật với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện, theo kịp thực tiễn phát triển của các mô hình và hoạt động của lĩnh vực thương mại điện tử khác nhau trong xã hội.
Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia cần tiếp tục hoàn thiện, tích hợp các giải pháp thanh toán bảo đảm để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử, nhất là loại hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), chính phủ - người dân (G2C), chính phủ - doanh nghiệp (G2B).
Tùng Phong