Venezuela sắp thành một Syria thứ hai?
(PetroTimes) - Bất kể ai lên nắm quyền và được quốc tế công nhận – Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro hay “tổng thống tự phong” Juan Guaido – người dân Venezuela vẫn sẽ phải trải qua những ngày tháng tăm tối nhất của đất nước. Cuộc khủng hoảng chính trị tại đất nước này, xét cho cùng, sẽ chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp dân nghèo và cũng sẽ chỉ được định đoạt khi một bên hoàn toàn nắm chốt quân đội.
Có quân đội, có tất cả
Để thuyết phục toàn bộ 365.000 sĩ quan quân đội và lực lượng cảnh sát đứng về phía mình, ông Juan Guaido đã ra lệnh ân xá cho những người lính từ bỏ hàng ngũ của ông Maduro, ngoại trừ những tướng lĩnh cấp cao bị buộc tội chống lại loài người.
Ở phía bên kia chiến tuyến, theo ông Luis Vicente Leon, Giám đốc của Viện điều tra Datanalisis, dù đối mặt với đến 86% ý kiến phản đối, ông Maduro vẫn giữ vững niềm tin vào lòng trung thành của quân đội.
Cuộc đối đầu giữa “hai tổng thống” Venezuela chưa có dấu hiệu hạ nhiệt |
Niềm tin này không phải là không có cơ sở. Mặc dù ông Guaido cho biết rằng đã có 700 sĩ quan quân đội và cảnh sát cùng ông vượt biên qua Brazil và Colombia – những quốc gia Mỹ Latin đang nỗ lực hàn gắn xung đột chính trị ở Venezuela – con số này vẫn còn quá thấp để thực hiện một cuộc đảo chính. Thậm chí, trong hàng ngũ bỏ trốn ấy còn không có sự hiện diện của sĩ quan cấp cao nào.
Ông Leon giải thích rằng nhiều binh lính hiện nay đang mang chung một nỗi sợ: họ không biết liệu sẽ bị chế độ mới thanh trừng hay không hoặc liệu chính quyền ông Maduro sẽ làm gì với họ nếu cuộc đảo chính thất bại. Vì thế, ngoài lệnh ân xá, chính quyền ông Guaido phải đảm bảo quyền lợi đối với từng trường hợp quân nhân cụ thể. Theo đó, để đảm bảo an toàn của bản thân trước chính quyền mới, quân đội nhiều khả năng vẫn sẽ sở hữu một quyền lực phân lập nhất định.
Theo ông Michael Shifter, Chủ tịch của Inter-American Dialogue có trụ sở tại Mỹ, “tổng thống tự phong” cần phải xem xét quyền miễn trách nhiệm cho các cán bộ viên chức “đã nhúng chàm”. Tuy việc này sẽ kéo dài thời gian tranh chấp quyền lực nhưng một tổng thống vì dân – như ông Guaido tự gọi chính mình – cần phải cân nhắc những biện pháp đấu tranh giảm thiểu tối đa xung đột vũ trang.
Vì đâu đến nỗi?
Từng là cường quốc giàu nhất khu vực Mỹ Latin với trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, người dân Venezuela giờ đây lại phải sống trong cảnh “bần cùng sinh đạo tặc” khi nền kinh tế nước này chứng kiến mức lạm phát kỉ lục 1.000.000%.
Tình trạng mất điện trên diện rộng ở Venezuela trong 4 ngày từ khoảng 17h (giờ địa phương) ngày 7/3 đã “đổ thêm dầu vào lửa” khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khó khăn và hỗn loạn. Trên nhiều trang mạng xã hội, chia sẻ của người dân Venezuela về tình trạng “đói điện” trong những cơ sở y tế, bệnh viện để thực hiện những ca phẫu thuật khẩn cấp đã dấy lên làn sóng bức xức và đồng cảm của cộng đồng quốc tế.
Phát biểu về sự cố mất điện chưa từng có trên, Tổng thống đương nhiệm Maduro cho rằng đây là một âm mưu phá hoại do chính quyền Donald Trump gây ra nhằm lật đổ chính quyền hợp pháp của ông. Ở chiều ngược lại, lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido đã chỉ trích việc chính phủ không khôi phục được điện kịp thời và kêu gọi tổng biểu tình để phản đối chính quyền ông Maduro. Theo hãng tin TASS của Nga, khoảng 20.000 người ủng hộ đã tham dự buổi mít-tinh của ông Guaido hôm 9/3 trong bối cảnh 70% đất nước Venezuela vẫn chìm trong bóng tối.
Theo ông Nicolas Maduro, cuộc khủng hoảng tại Venezuela chỉ qua là hậu quả của những âm mưu phá hoại kinh tế do các đối thủ chính trị của ông tiến hành. Thậm chí, người đứng đầu Caracas còn cáo buộc rằng các ngân hàng tư nhân trong nước đang tuồn tiền sang nước láng giềng Colombia để thực hiện âm mưu phá hoại nền kinh tế Venezuela.
Ở chiều ngược lại, ông Guaido cho thấy mức độ ảnh hưởng ngày một lớn hơn khi trở về nước an toàn vào ngày 4/3 trong sự “nhắm mắt làm ngơ” của chính quyền Maduro trước việc ông vi phạm lệnh cấm xuất ngoại vì tội “lật đổ chính quyền”.
Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido về nước sau khi thất bại trong việc vận chuyển hàng viện trợ do Mỹ và các đồng minh cung cấp vào trong lãnh thổ Venezuela do bị các lực lượng vũ trang chặn lại ở biên giới Colombia theo lệnh của ông Maduro. Sau thất bại trên, ông Guaido ngay lập tức hứa sẽ đẩy mạnh các cuộc mít-tinh quy mô lớn và cô lập ngoại giao với chính quyền Maduro thông qua việc hỗ trợ các cuộc đình công của các công đoàn nhà nước và kêu gọi EU tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế như Hoa Kỳ đã áp dụng.
Có thể thấy, chiến thuật của ông Guaido hiện nay đang nhắm đến việc lôi kéo các tướng lĩnh quân đội Venezuela từ bỏ chính quyền Maduro nhằm tạo điều kiện để thực hiện một cuộc nổi loạn giành chính quyền và mở đường cho một cuộc tổng bầu cử ôn hòa chọn ra người lãnh đạo chế độ mới. “Giải pháp này cho thấy ít dấu hiệu tích cực nhưng không gì là không thể”, ông Shifter nhận xét.
Vì sao những con hổ lại nằm kiên nhẫn chờ đợi con mồi đến thế? Không phải do chúng lười hay kém thông minh mà là do chúng không có gì phải vội với con vật yếu thế hơn cả. “Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Washington nhằm bóp nghẹt chế độ, bao gồm cấm vận dầu mỏ, đang ngày càng làm cho người dân Venezuela chịu nhiều khổ đau và thiếu thốn. Trước khi Mỹ có thể hạ bệ ông Maduro, những lệnh trừng phạt gay gắt này còn sẽ hủy hoại cả hình ảnh của ông Guaido nữa”, ông Leon cảnh báo. Theo nhà khoa học chính trị Luis Salamanca và đồng sự, ông Maduro đang đặt cược vào sự “bất mãn” của người dân đối với ông Guaido.
Một Syria thứ hai?
Ngày 22/9/2014, liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích vào lãnh thổ Syria với mục tiêu diệt trừ tận gốc tổ chức Nhà giáo cực đoan IS. Mỹ hậu thuẫn cho các phiến quân chống chính phủ như Lực lượng Dân chủ Syria, gồm chủ yếu người Kurd và người Arab. Trong khi đó, Nga và Iran ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad.
5 năm sau nội chiến, hàng trăm ngôi nhà cao tầng tại Syria bây giờ chỉ còn là đống đổ nát. Theo ước tính, chiến tranh đã tàn phá khoảng 35.000 mái ấm của người dân nơi đây và cướp đi hơn nửa triệu sinh linh.
Bài học từ Afghanistan, Iraq, Lybia, Syria có thể là một lời cảnh tỉnh cho những cái đầu đối nghịch ở Venezuela hiện nay. Các chuyên gia cho rằng quân đội cũng sẽ có thể tạm thời ngưng chống lưng cho ông Maduro và đợi đến khi tình hình kinh tế-chính trị-xã hội ổn định trở lại để đứng ra tổ chức một cuộc bầu cử chính danh. Tuy nhiên, không thể loại trừ hẳn khả năng của một cuộc đảo chính như năm 2002 do lực lượng cánh hữu phát động theo chỉ thị của doanh nhân và nhà lãnh đạo của tổ chức Fedecámaras Pedro Carmona.
“Khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela dường như ít có thể xảy ra nhưng cũng không thể bị loại trừ theo tình hình hiện nay”, ông Shifter cảnh báo. Dù cho ông Guaido đã yêu cầu nhóm Lima (13 quốc gia ở Mỹ Latinh, Caribbean và Canada) xem xét tất cả các biện pháp trừng phạt nhưng nhóm này đã từ chối phương án đẩy người dân Venezuela vào bước đường cùng thông qua vũ lực.
Còn đối với chuyên gia Diego Moya-Ocampos thuộc Viện IHS Markit ở London, việc Venezuela trở thành một Syria thứ hai “vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này ngày càng gay gắt và kéo dài. Trong trường hợp ông Maduro chỉ đạo tấn công ông Guaido hoặc Quốc hội, cơ quan nhà nước duy nhất do phe đối lập kiểm soát”, Mỹ hoàn toàn có thể can dự vào chuyện riêng của nước khác theo đường lối mà họ đã tuân theo kể từ những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh.
H.Phan