Tăng giá sách giáo khoa mức 16,9% có phù hợp?
(PetroTimes) - Đây là mức tăng mà NXB Giáo dục Việt Nam đề xuất và nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản thì với mức tăng này là không quá nhiều, phụ huynh học sinh có thể chấp nhận được.
Chưa tăng giá sách giáo khoa trong năm học mới 2019-2020 |
Bộ GD&ĐT giải thích vì sao học sinh phải học chương trình nặng |
Bộ GD&ĐT sẽ phát hành sách giáo khoa phiên bản điện tử |
SGK tăng giá là hợp với quy luật của thị trường?
Mặc dù trước đó, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã thuê đơn vị Kiểm toán độc lập và đã đưa ra mức tăng 20,3%. Tuy nhiên, sau khi thống nhất các phương án, các bên chọn giảm xuống mức hợp lý là 16,9%. Ví dụ, cả bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1, giá bán hiện nay là 47.500 đồng. Nếu theo mức đề xuất của Nhà xuất bản giáo dục sẽ tăng khoảng 8.000 đồng cả bộ.
Phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: TTXVN) |
Tại Phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến liên quan đến giá SGK, Chủ tịch Quốc hội nêu lên thực tế: “Qua trao đổi với Bộ Tài chính, đã 8 năm nay, sách giáo khoa “đứng im”, giá vẫn duy trì mặc dù các khoản chi phí tăng liên tục. Tiền lương tối thiểu vùng tăng 3 lần, lương cơ sở tăng 1,8 lần. Giấy in tăng 20%, điện tăng 41% nhưng giá SGK vẫn như 8 năm về trước”.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét về việc quản lý điều hành giá cả thị trường theo quy luật chung, không thể phi thị trường vì điều đó không hợp lý. “Nếu trường hợp không điều chỉnh thì với những khoản dự kiến sẽ lỗ, Chính phủ xử lý như thế nào? Nên chăng chúng ta cũng phải trao đổi, Chính phủ có biện pháp chỉ đạo để có cho tốt. Giá bất hợp lý với thị trường, để lỗ thì ai chịu trách nhiệm” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng giá SGK là hết sức bình thường với quy luật của thị trường. Tuy nhiên mức tăng như thế nào được cho là phù hợp rất cần có sự đồng thuận của các cấp, ngành liên quan để cho người dân có thể chấp nhận được và đơn vị xuất bản không bị thiệt thòi, vì phải bù lỗ.
Thực tế từ năm 2011 đến nay, giá SGK không thay đổi và ở mức thấp hơn so với chi phí, giá thành xuất bản, phát hành SGK và so với giá bán các sách khác.Trong khi đó các khoản chi phí xuất bản SGK đều biến động tăng cao: lương tối thiểu vùng năm 2019 so với năm 2011 tăng gần 3,1 lần, lương cơ sở năm 2019 tăng 1,8 lần so với năm 2011.
Giá thị trường của vật tư giấy in hàng năm hầu như đều tăng, riêng giấy để in SGK năm học 2019 - 2020 đã tăng so với năm trước bình quân trên 20%. Giá điện bán lẻ bình quân từ năm 2011 đến nay tăng gần 41%...
NXB lo tiếp tục phải bù đắp chi phí
Giải thích trên phương tiện truyền thông, Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, trong những năm qua đã phải bù đắp việc SGK được bán dưới giá thành từ những nguồn thu khác. Tuy nhiên đến cuối năm 2018, đầu năm 2019, doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ bị lỗ, mất dần vốn Nhà nước do chi phí đầu vào tăng cao thì vấn đề phải điều chỉnh giá bán SGK được đặt ra.
Việc tăng giá SGK ở mức nào sẽ phù hợp và được nhân dân chấp thuận? |
Trong tình hình hiện nay, nếu giá SGK không được điều chỉnh kịp thời, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ phải tiếp tục lo bù đắp chi phí. Nguy cơ lỗ, không bảo toàn được vốn của nhà nước là trước mắt. Đồng thời điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của khoảng 3.000 người lao động trong hệ thống NXB Giáo dục Việt Nam.
Cũng thông tin trên báo chí, NXB Giáo dục Việt Nam đưa ra 2 phương án điều chỉnh giá Phương án 1: điều chỉnh để đủ bù đắp chi phí, giá thành và có lãi từ 5% đến 10%; Phương án 2: điều chỉnh giá gần đủ bù đắp chi phí, giá thành, không có lãi, vẫn phải tiếp tục dùng một phần từ nguồn thu khác để bù đắp. NXB Giáo dục Việt Nam chọn phương án 2, với mức tăng bình quân 16,9%.
Mức tăng này theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản thì có thể chấp nhận được và không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, vì số tiền tăng không đáng kể, phụ huynh học sinh có thể chấp nhận được.
Cho dù xã hội vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược về vấn đề SGK và giá sách giáo khoa, nhưng đây là mặt hàng đặc biệt, do cần phải được sự đồng ý của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có thể tăng giá. Và quan trọng nhất vẫn là nhận được sự đồng tình của nhân dân, phụ huynh học sinh, khi tăng giá sách ở mức nào được cho là phù hợp để vui vẻ chấp thuận.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện là đơn vị độc quyền in và phát hành sách giáo khoa ở Việt Nam. Vị thế độc quyền này sẽ bị phá vỡ khi Việt Nam chính thức áp dụng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, các nhà xuất bản khác cũng tham gia làm sách. Đến lúc đó, giá bán sách giáo khoa sẽ chính thức được điều tiết theo quy luật của thị trường.
Lê Minh