"Đại dịch" quay lén video nhạy cảm khiến phụ nữ Hàn Quốc lo sợ
Các cô gái bị ghi hình lén tại nhà vệ sinh công cộng hay phòng thay đồ hoặc bị bạn trai quay lại cảnh quan hệ tình dục để phát tán video.
Ca sĩ Jung Joon-young (buộc tóc) đến sở cảnh sát ở Seoul ngày 14/3. Ảnh: AFP. |
Giới giải trí Hàn Quốc tuần này chấn động với bê bối của ca sĩ Jung Joon-young và Seungri, thành viên nhóm nhạc Big Bang. Từ năm 2015, Jung Joon-young quay lén 10 phụ nữ khi họ quan hệ tình dục với anh ta và chia sẻ trong một nhóm chat 8 người, trong đó có Seungri.
Một nạn nhân phát hiện, cầu xin không phát tán nhưng Jung Joon Young không bận tâm và tiếp tục khoe "chiến tích" trong nhóm chat. Những người này còn có nhiều đoạn bàn tán, bình phẩm thô tục về các nạn nhân. Năm 2016, Jung Joon Young cũng từng bị bạn gái cũ kiện vì quay lén video khi quan hệ tình dục nhưng cô này sau đó rút cáo buộc.
Quay lén đã trở thành một "đại dịch" ở Hàn Quốc. Kể từ năm 2011, số vụ quay chụp bất hợp pháp ở Hàn Quốc tăng vọt từ 1.300 mỗi năm lên hơn 6.000 vụ vào năm 2017 với nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Những gã đàn ông chụp lén các cô gái mặc váy ngắn trên đường phố hay giấu camera siêu nhỏ ở những nơi công cộng như nhà vệ sinh và phòng thay đồ, theo Reuters.
Bạn trai của các cô gái còn lén lút quay lại cảnh họ quan hệ tình dục để chia sẻ với bạn bè giống như trường hợp của Jung Joon-young hay giữ video để uy hiếp đối phương nếu mối quan hệ tan vỡ. Theo nhà hoạt động Han Sol, nhiều đàn ông Hàn Quốc coi việc chia sẻ video nhạy cảm như một hình thức giải trí và là cách để củng cố "mối quan hệ anh em".
Một đoạn video phụ nữ cởi quần áo hoặc quan hệ tình dục và có thể được bán với giá lên tới 100.000 won (90 USD), những kẻ chuyên cung cấp video loại này có thể kiếm được hơn 100 triệu won mỗi tháng.
Luật Hàn Quốc cấm ghi hình và phát tán tài liệu khiêu dâm nhưng hành vi này vẫn phổ biến. Năm 2016, một trang web khiêu dâm hoạt động từ năm 1999 với một triệu người dùng của Hàn Quốc đã bị gỡ bỏ. Trang này bị phát hiện lưu trữ hàng nghìn video quay lén phụ nữ mà không có sự đồng ý của họ.
Một buổi tối năm 2018, cảnh sát gõ cửa nhà cô gái họ Choi và cho cô xem một đoạn video khiến cuộc sống của cô bị đảo lộn. Đoạn phim mờ cho thấy hình ảnh người phụ nữ khỏa thân mà cô nhận ra là chính mình, đi lại trong căn hộ trên tầng 22 của tòa nhà ở trung tâm Seoul. Nó được ghi lại bằng máy quay với ống kính tele từ nóc tòa nhà lân cận.
"Tôi sợ ở nhà vì đó là nơi tôi bị lén lút ghi hình, nhưng tôi cũng sợ rời căn hộ, kể cả vào ban ngày".
Laura Bicker, phóng viên BBC, cho biết nhiều phụ nữ Hàn nói với cô rằng điều đầu tiên họ làm khi dùng toilet công cộng ở Hàn Quốc là tìm xem có lỗ nhìn lén hoặc máy quay hay không. Hong Ah-reum, 25 tuổi, người thường đến bể bơi ở Gyeonggi, cho biết cô cũng lo lắng bị ghi lại những hình ảnh nhạy cảm.
Cảnh sát đã xác định hơn 26.000 nạn nhân từ năm 2012 đến 2016, hơn 80% trong số họ là nữ. Tuy nhiên, Oh Yoon-sung, giáo sư tội phạm học tại Đại học Soonchunhyang cho rằng con số thực tế có thể cao hơn gấp 10 lần vì nhiều người không bao giờ phát hiện ra họ là nạn nhân.
Nữ cảnh sát kiểm tra máy quay lén tại một nhà vệ sinh công cộng ở Seocho, Seoul năm 2018. Ảnh: CNN. |
Chính quyền Hàn Quốc đã thực hiện một số biện pháp để đối phó với vấn nạn này, bao gồm thành lập tổ công tác đặc biệt để giúp đỡ nạn nhân và tăng cường kiểm tra ở những nơi công cộng.
"Tình hình đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát", Cha Ryu Hye-jin từ Học viện Nữ quyền Hàn Quốc, người giám sát tổ đặc biệt, nói vào cuối năm 2018. "Kể từ khi thành lập tổ này, nhiều nạn nhân đã gọi và liên lạc với chúng tôi".
Từ tháng 4/2018, tổ 16 người của bà đã ra mắt dịch vụ miễn phí để giúp nạn nhân loại bỏ các cảnh quay bất hợp pháp khỏi các trang web. Sau 6 tháng, họ đã xử lý khoảng 15.000 yêu cầu và tư vấn cho hơn 3.000 nạn nhân.
Chính quyền thành phố Seoul bố trí thêm nhân viên để kiểm tra hàng ngày các nhà vệ sinh công cộng, sau khi các thanh tra chính quyền không phát hiện ra bất kỳ camera ẩn nào.
Ngoài ra, các nạn nhân còn tìm đến các công ty tư nhân có tính phí để loại bỏ các video trên mạng. Dịch vụ được gọi là "tẩy rửa kỹ thuật số" này đang dần trở thành một ngành công nghiệp mới.
"Cách khách hàng thường nói 'tôi muốn chết' hoặc 'tôi không dám rời nhà'. Họ lo lắng rằng nếu ra đường, họ sẽ bị nhận ra", Lee Ji-soo, nhân viên một công ty làm dịch vụ này ở Gangnam, cho biết.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng những dịch vụ này không thể giải quyết gốc rễ vấn đề. Điều quan trọng là giáo dục mọi người về bình đẳng giới và nhận thức về tội phạm tình dục.
Những người phụ nữ biểu tình, giơ khẩu hiệu "cuộc sống của tôi không phải là trò khiêu dâm của các người" tại Seoul năm 2018. Ảnh: AFP. |
Nhà vận động Park Soo-yeon cho biết nhiều nạn nhân không dám lên tiếng khi họ phát hiện ra mình là nạn nhân quay lén do sợ bị xã hội kỳ thị. Theo Park, thảo luận về quyền của phụ nữ đôi khi vẫn được coi là điều cấm kỵ trong một xã hội nam giới thường nắm vị thế cao hơn như Hàn Quốc.
"Điều quan trọng là phụ nữ cần lên tiếng về vấn đề này để mọi người nhận thức những đau đớn họ hứng chịu", Park nói.
Kim Young-mi, phát ngôn viên của Hiệp hội Nữ luật sư Hàn Quốc, cho rằng cần phải có hình phạt nghiêm khắc hơn. Những người vi phạm hiện phải đối mặt với án tù 5 năm hoặc phạt tiền lên tới 9.000 USD. Thống kê của cảnh sát năm 2013-2018 qua cho thấy chỉ 5,3% những người bị truy tố về tội quay phim bất hợp pháp phải nhận án tù.
Năm ngoái, hàng nghìn phụ nữ Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình phản đối nạn quay lén, họ giơ cao các biểu ngữ như "cuộc sống của tôi không phải là trò khiêu dâm của các người".
"Chúng ta cần nói với mọi người đây là tội ác, là tấn công tình dục, không phải là khiêu dâm",Park nhấn mạnh.
Theo VnExpress.net