Thủ phạm tạo ra một nửa lượng khí thải nhà kính toàn cầu
(PetroTimes) - Việc khai thác và sản xuất các nguyên liệu thô, nhiên liệu và thực phẩm chính là nguyên nhân của một nửa lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Đó là lý do Liên Hợp Quốc kêu gọi một cuộc cải cách kinh tế toàn diện với quy mô toàn cầu.
Dẫn chứng hàng loạt số liệu, các chuyên gia đã trình bày một bản báo cáo trước Hội đồng Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tại Nairobi vào ngày 12/3/2019. Qua đó, bài báo cáo đã đề ra một giải pháp triệt để: hướng đến cải cách sản xuất toàn cầu nhằm hạn chế nguy cơ sụp đổ hệ thống toàn thế giới.
Trước cam kết của các bên về việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo Thỏa thuận Khí hậu Paris (COP21), các chuyên gia cho rằng rất khó để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2°C, hay thậm chí là 1,5°C nếu không khẩn trương triển khai các biện pháp chuyển đổi phương thức sản xuất và khai thác nhiên liệu thô.
Bài báo cáo cũng cho biết việc khai thác nguồn nguyên liệu thô như: khoáng sản, nhiên liệu hoá thạch đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1990. Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế của các nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng, các kế hoạch chuyển đổi cần phải đẩy mạnh và triệt để hơn nữa, các chuyên gia phát biểu.
“Không ai có quyền ngăn cản cách thức phát triển của các quốc gia trên. Nhưng chúng ta cũng cần tìm ra một hướng đi mới, ít để lại hậu quả cho môi trường hơn”, ông Janez Potocnik, một trong những chuyên gia nói.
Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác nhằm phục vụ cho nhu cầu dân số tăng lên 8 tỷ người.
Chỉ chưa đầy 50 năm (từ 1970-2017), việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch đã tăng từ 6 tỷ tấn lên 15 tỷ tấn, dù nhiều quốc gia đã nỗ lực chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng nhiên liệu sạch. “Lạm dụng nguồn tài nguyên khoáng sản đã thật sự gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và nhất là môi trường hiện nay” Bruno Orbel, cựu Bộ trưởng Môi trường Thụy Sĩ bày tỏ.
Bài báo cáo chỉ rõ: mức tiêu thụ nguyên liệu thô bình quân đầu người ở các nước giàu cao hơn gấp hai lần so với trung bình chung toàn cầu. Cụ thể: mức tiêu thụ bình quân đầu người ở các quốc gia phát triển là 27,1 tấn/năm/người so với mức 2 tấn/năm/người tại các nước nghèo.
Một kế hoạch được vạch ra theo hướng phát triển “bền vững hơn”. Theo đó, cần phải làm chậm lại quá trình tăng dân số, điều này cho phép hạn chế việc khai thác và sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang tăng của 8 tỷ dân trên thế giới.
Ước tính lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính có thể tăng đến 43% vào năm 2060. “Mong các chính quyền hãy chú ý bảo vệ lợi ích của cộng đồng hướng đến lợi ích chung toàn cầu hiện nay” ông Potocnik nhấn mạnh.
Nhiệt cực đoan do biến đổi khí hậu gây nguy hại đến 157 triệu người |
G.K