Nga cáo buộc Mỹ “che giấu” vũ khí hạt nhân
Nga cáo buộc Mỹ âm thầm phân loại lại các hệ thống vũ khí hạt nhân nhằm che giấu quy mô thực sự của kho khí tài chiến lược, vốn bị hạn chế bởi một hiệp ước hạt nhân giữa 2 nước.
Bệ phóng tên lửa Trident II D5 từ tàu ngầm lớp Ohio, vũ khí Nga cáo buộc Mỹ không liệt kê trong danh sách nhằm che giấu quy mô kho khí tài. (Ảnh: Newsweek) |
Phát biểu tại hội nghị chính sách hạt nhân quốc tế Carnegie 2019, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Andrea Thompson ngày 11/3 đã phản bác quan điểm rằng Tổng thống Donald Trump không hứng thú với việc kéo dài Hiệp ước Cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START) mới với Nga có hiệu lực từ năm 2011.
Đây là thỏa thuận nhằm thay thế START I, hiệp ước được ký vào năm 1991 và hết hạn vào tháng 12/2009, nhằm giới số lượng hệ thống vận chuyển đầu đạn hạt nhân mỗi bên được phép triển khai.
Bà Thompson nói rằng Mỹ còn 2 năm để đưa ra quyết định về việc có tiếp tục ký kết hiệp ước mới với Nga hay không.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 13/3 đã phát đi thông cáo để “nhắc nhở Mỹ rằng việc gia hạn hiệp ước START mới không phải là thủ tục hình thức có thể được ký kết trong vài ngày hay vài tuần" và “Mỹ phải tuân thủ nghĩa vụ của họ theo quy định của hiệp ước” trước khi bước vào bàn đàm phán với Nga.
“Chúng tôi phải nói rằng mặc dù Mỹ đã tuyên bố họ tuân theo hiệp ước, nhưng trên thực tế họ đã đạt được bằng cách thay đổi số liệu. Họ đạt được không chỉ bằng cách cắt giảm vũ khí hạt nhân mà còn thông qua hoạt động tái phân loại đơn phương và bất hợp pháp khoảng 100 hệ thống tấn công chiến lược. Đây là vấn đề nghiêm trọng và cần được xử lý trước khi bất cứ cuộc đối thoại nào về việc kéo dài hiệp ước diễn ra”, thông báo viết.
Theo hiệp ước START mới được ký kết giữa cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào năm 2011, Moscow và Washington đã đồng thuận sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm, số lượng các loại vũ khí mỗi bên không vượt qua 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn. Tuy nhiên, hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021 nếu hai nước không muốn gia hạn thêm 5 năm nữa.
Nga đã nhiều lần tỏ ra hoài nghi về độ chính xác trong con số mà Mỹ cung cấp. Hồi tháng 4 năm ngoái, phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc cáo buộc rằng Mỹ cố tình thống kê sai loại một số vũ khí chiến lược để đạt được con số đúng theo thỏa thuận như 56 bệ phóng tên lửa từ tàu ngầm Trident II và 42 máy bay ném bom hạng nặng B-52H.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã cảnh báo một cuộc đua vũ trang tiềm tàng nếu hiệp ước START mới sụp đổ. Phát ngôn của ông Ryabkov đưa trong bối cảnh Mỹ tuyên bố dừng Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển tên lửa Novator 9M729.
Nga đã bác bỏ cáo buộc và tố cáo Mỹ đang vi phạm INF khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore ở châu Âu với quan ngại tổ hợp trên có thể phóng ra tên lửa Tomahawk.
Theo Dân trí
Vừa rút khỏi hiệp ước hạt nhân chung, Mỹ phóng tên lửa “khủng” nắn gân Nga Mỹ đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhắm tới mục tiêu ở cách xa 6.700 km sau khi tuyên bố dừng thực thi hiệp ước vũ khí hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh với Nga. |