Ăn thịt lợn mắc dịch tả lợn châu Phi có làm sao?
(PetroTimes) - Trước dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng đến 9 tỉnh phía Bắc, rất nhiều người lo ngại ăn phải thịt lợn mắc dịch sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe nên đã tẩy chay thịt lợn. Tuy nhiên, thực tế có như nhiều người nghĩ không?
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: “Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn. Vì dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Do đó trường hợp phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người".
Lợn chết vì mắc dịch tả lợn châu Phi ở Thanh Hóa |
Theo ông Phu, virus tả lợn Châu Phi sống được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày...
Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém, chỉ tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.
Tuy nhiên, theo ông Phu, dù lợn bị mắc bệnh tả Châu Phi không có khả năng lây sang người, song vẫn phải cẩn trọng khi mua thịt lợn. Bởi khi bị tả, sức đề kháng của lợn kém đi, rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng... nhất là bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh.
Cho nên người tiêu dùng phải mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...
Nguyễn Bách