Hà Nội là một trong hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á
(PetroTimes) - Ngày 5/3, IQAir AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á đưa ra Báo cáo mới nhất về Chất lượng Không khí Toàn cầu 2018 và Bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới căn cứ trên dữ liệu về tình trạng ô nhiễm bụi (PM2.5). Hà Nội là một trong hai thành phố có mức ô nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo nhấn mạnh sự phát tán rộng rãi nhưng không đồng đều của ô nhiễm bụi PM2.5 và các hạn chế trong tiếp cận thông tin của công chúng. Trong đó, đáng lưu ý là ô nhiễm không khí ước tính sẽ gây ra khoảng bảy triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu trong năm tới, cùng với thiệt hại kinh tế gần 225 tỷ USD.
Khói xe là một trong những nguyên nhân chính khiến không khí tại Hà Nội bị ô nhiễm nặng. |
Giám đốc điều hành của Greenpeace Đông Nam Á Yeb Sano, chia sẻ: “Ô nhiễm không khí đang lấy đi sinh kế và tương lai của chúng ta, nhưng chúng ta có thể thay đổi điều đó. Ngoài cuộc sống của con người bị mất đi, ước tính thế giới còn thiệt hại 225 tỷ đô la về sức lao động, và hàng nghìn tỷ cho chi phí y tế. Điều này có tác động rất lớn đến sức khỏe và túi tiền của chúng ta. Chúng tôi mong muốn báo cáo này sẽ tác động tới suy nghĩ của mọi người về bầu không khí chúng ta hít thở, bởi vì khi chúng ta hiểu được ảnh hưởng của chất lượng không khí đến cuộc sống của mình, chúng ta sẽ hành động để bảo vệ những gì quan trọng nhất".
Ông Frank Hammes - Giám đốc điều hành IQAir, cho biết thêm: “Báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu năm 2018 dựa trên việc rà soát, tổng hợp và xác thực dữ liệu từ hàng chục ngàn trạm quan trắc chất lượng không khí trên toàn thế giới. Giờ đây, mọi người có điện thoại di động đều có thể truy cập miễn phí vào dữ liệu này thông qua nền tảng AirVisual. Điều này cũng đã tạo ra nhu cầu theo dõi chất lượng không khí ở các thành phố hoặc khu vực không có dữ liệu công khai. Các cộng đồng và tổ chức từ California đến Kabul đang đóng góp vào nỗ lực của chính phủ thông qua mạng lưới theo dõi chất lượng không cầm tay của riêng họ và cho phép mọi người truy cập vào thông tin phản ánh sát với địa phương hơn”.
Một số kết quả đáng chú ý từ báo cáo gồm như Khu vực Nam Á thì trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, có 18 thành phố ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Xếp hạng này bao gồm dữ liệu chưa từng công bố trước đây của hệ thống theo dõi cảm biến công cộng đầu tiên của Pakistan.
Tại khu vực Đông Nam Á thì Jakarta và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất. Trong khi đó chất lượng không khí của Bắc Kinh đang ngày càng tốt hơn, Jakarta có nguy cơ sớm vượt qua thủ đô vốn nổi tiếng về ô nhiễm của Trung Quốc.
Ô nhiễm không khí khiến hàng triệu người chết và thiệt hại lớn đối với kinh tế. |
Đáng chú ý nhất là nồng độ bụi trung bình tại các thành phố ở Trung Quốc đã giảm 12% từ năm 2017 đến 2018. Trong đó, Bắc Kinh hiện xếp hạng là thành phố ô nhiễm thứ 122 trên thế giới năm 2018.
Còn Hoa Kỳ và Canada mặc dù chất lượng không khí trung bình rất tốt khi so sánh toàn cầu, tuy nhiên các vụ cháy rừng lịch sử đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng không khí vào tháng 8 và tháng 11 vừa qua nên kết quả là có tới 5 trên 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong tháng 8 được ghi nhận ở Bắc Mỹ.
Biến đổi khí hậu đang làm cho tác động của ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn thông qua thay đổi điều kiện khí quyển và khuếch đại các đám cháy rừng. Ngoài ra, tác nhân chính của biến đổi khí hậu - đốt nhiên liệu hóa thạch - cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Do đó, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí của chúng ta.
Ông Sano cho biết thêm: “Chính quyền địa phương và trung ương có thể giúp giải quyết các tác động của ô nhiễm không khí bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng báo cáo và giám sát đầy đủ. Đốt nhiên liệu hóa thạch - than, dầu và khí đốt được xác định là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí phổ biến trên toàn cầu. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn bởi vấn nạn chặt phá rừng. Chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo suy nghĩ một cách nghiêm túc về vấn đề sức khỏe và khí hậu bằng việc xem xét sự chuyển dịch công bằng thoát khỏi khỏi nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cho chúng ta biết rõ mức độ chất lượng không khí để có thể thực hiện các bước giải quyết khủng hoảng sức khỏe và khí hậu này”.
Đã đến lúc thành phố Hà Nội phải triển khai mạnh hơn nữa các giải pháp giảm ô nhiễm không khí, đặc biệt là hạn chế và xử phạt nặng các công trình xây dựng, xe chở phế thải xây dựng, phương tiện giao thông phát thải khói bụi vượt mức cho phép... Đồng thời có sự hỗ trợ cụ thể và tích cực hơn nữa trong việc nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới, khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng, xe điện, xe đạp hơn nữa.
Tùng Dương