Chống gian lận thi cử từ… đề thi
(PetroTimes) - Gian lận thi cử luôn là vấn đề nóng của ngành giáo dục. Một mùa thi nữa sắp đến. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử? Là một nhà quản lý, đồng thời là người trực tiếp đứng trên bục giảng, thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội - đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này.
PV: Theo ông, có giải pháp nào hiệu quả để ngăn chặn hiện tượng gian lận thi cử trong các cuộc thi hiện nay?
Thầy Nguyễn Văn Hòa |
Thầy Nguyễn Văn Hòa: Tôi nghĩ phòng, chống gian lận trong thi cử là việc thường xuyên phải làm. Sơ hở không xuất hiện chỗ này thì chỗ khác. Vấn đề là nếu chúng ta có đề thi tốt, phù hợp với trình độ học sinh thì sẽ hạn chế được tiêu cực. Tôi cho rằng chúng ta phải làm cho cuộc thi trở nên bình thường, đừng tạo áp lực, căng thẳng cho học sinh. Khi học sinh tiếp nhận đề thi một cách thoải mái, cảm thấy sẵn sàng thì sẽ không còn chỗ cho các hành động tiêu cực nữa. Còn nếu đề thi cứ gây khó, đánh đố thì bắt buộc học sinh phải xoay sở, các cha mẹ và cả xã hội phải xoay sở, sẽ phát sinh tiêu cực. Tôi nghĩ cái gốc nằm ở đây.
PV: Ông đánh giá như thế nào về đề thi tham khảo THPT Quốc gia 2019 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố?
Thầy Nguyễn Văn Hòa: Năm nay Bộ GD&ĐT có nhiều chủ trương rất đúng đắn. Đặc biệt, vừa qua Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa khác hẳn đề năm ngoái, tập trung vào những kiến thức chuẩn, sát với việc dạy và học cũng như điểm chuẩn phù hợp với năng lực của học sinh. Tôi nghĩ đề thi này không còn đánh đố, không yêu cầu kiến thức ghi nhớ nữa và được dư luận rất hoan nghênh. Nếu đề thi giữ được như vậy chắc chắn sẽ phòng, chống được gian lận thi cử
PV: Tuy nhiên, đề dễ, điểm thi sẽ cao, dẫn đến điểm chuẩn cao và như vậy tiềm ẩn nhiều vấn đề. Ông có nghĩ thế không?
Thầy Nguyễn Văn Hòa: Đây là đề thi THPT Quốc gia, căn cứ vào đâu mà chúng ta nói dễ hay khó? Chúng ta phải bám vào chương trình chuẩn, dạy gì thi đó. Học đến mức độ nào thì thi mức độ đó. Hiện nay học sinh được đánh giá 70% là khá, giỏi, vậy khi thi phải ra kết quả đó. Nếu học sinh học được 7-8 điểm, nhưng khi thi chỉ được 3-4 điểm thì không phù hợp. Chúng ta đừng yêu cầu cao quá với học trò. Các em vẫn đang là trẻ con, đừng tạo áp lực cho chúng.
Hiện chúng ta vẫn thi kiến thức, mà thi kiểu đó thì chỉ đánh giá được một phần năng lực của học sinh. Chúng ta đừng đặt kỳ vọng quá nhiều vào trẻ. Các bậc cha mẹ và xã hội đừng tạo áp lực lên đầu con mình. Chúng ta đánh giá chất lượng giáo dục từ nhiều khía cạnh chứ không chỉ ở kỳ thi. Kết quả thi chỉ là khả năng học tập thôi. Mà khả năng mỗi trò mỗi khác. Có trò thi chỉ được 5-6 điểm nhưng sau này ra đời lại rất thành công. Bởi vì chúng giỏi những năng lực khác, giỏi sáng tạo chẳng hạn. Môn học chỉ là 1 trong số 1.000 năng lực mà học sinh cần phải có khi bước vào đời.
PV: Ông có kỳ vọng gì vào kỳ thi 2019?
Thầy Nguyễn Văn Hòa: Trong tình hình hiện nay, để giảm thiểu hết tiêu cực là kỳ vọng lớn quá. Chúng ta phải đặt vấn đề này trong bối cảnh xã hội. Tuy nhiên, từ đề thi tham khảo vừa qua, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT đã làm cho kỳ thi thực tế hơn, phù hợp hơn với học sinh, phù hợp với dạy và học. Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT đang làm đúng hướng và nên phát huy điều này, nên giữ ổn định như thế cho đến khi thi và không chỉ với riêng kỳ thi THPT Quốc gia mà với bất cứ kỳ thi nào của học sinh cũng nên đi theo hướng như vậy.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chúng ta phải bám vào chương trình chuẩn, dạy gì thi đó. Học đến mức độ nào thì thi mức độ đó. Hiện nay học sinh được đánh giá 70% là khá, giỏi, vậy khi thi phải ra kết quả đó. |
Nguyễn Bách