Hàng Việt bị “đội lốt”: Chính doanh nghiệp trong nước tự làm hại nhau
(PetroTimes) - Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Anh Dao Co.op) từng nhận xét, nông sản Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam rất nhiều nhưng không phải do DN Trung Quốc làm mà chính nhiều DN Việt Nam đã tranh thủ những lúc "tranh tối, tranh sáng" làm việc đó.
Nhiều chủng loại hàng Việt bị nhái
Theo đó, thời gian qua xuất hiện tình trạng một số nông sản, thủy sản, may mặc, da giày, xe đạp điện được bày bán trên thị trường Việt Nam dưới tên gọi của sản phẩm cùng loại Việt Nam như nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cà tầm Sa Pa, thời trang Made in Việt Nam...
Hàng thời trang được gọi là hàng "xuất khẩu Made in Việt Nam" tràn lan trên khắp các đường phố |
Đây thực sự là vấn đề nhức nhối, không chỉ gây tổn thất lớn đối với hàng hóa Việt mà còn ảnh hưởng đến uy tín của từng ngành hàng khi chất lượng không được kiểm chứng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không được chứng minh.
Nếu như trước đây chỉ lác đác vài điểm kinh doanh hàng thời trang xuất khẩu, thì nay gần như ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là trên các tuyến đường của các thành phố lớn mọc lên nhan nhản các shop bán hàng may mặc, giày dép, túi xách… mang thương hiệu hàng xuất khẩu.
Nhìn chung hầu hết các sản phẩm mang mác hàng Việt Nam xuất khẩu hiện bán trên thị trường, giá chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với hàng sản xuất trong nước không xuất khẩu. Tuy nhiên, loại hàng này lại rất thu hút người tiêu dùng do gắn mác xuất khẩu nhưng giá lại rẻ.
Chủ một doanh nghiệp đang gia công hàng may mặc xuất khẩu cho một thương hiệu nổi tiếng cho hay, hàng xuất khẩu sau khi sản xuất ra thành phẩm thì được đóng vào kho để chờ xuất khẩu mà không được bán ra ở thị trường Việt Nam. Trên thị trường Việt Nam, nếu có hàng xuất khẩu thì đó là hàng trong quá trình gia công bị lỗi, hoặc cũng có một số trường hợp sản phẩm bị lấy cắp tuồn ra ngoài thị trường…
Có thể thấy năm 2018, tình trạng hàng Việt bị nhiều hàng nước ngoài chất lượng kém vào thị trường trà trộn hàng Việt. Tiêu biểu là hàng nông sản Trung Quốc "đội lốt" nông sản Việt Nam như trường hợp khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai Đà Lạt diễn ra khá phổ biến. Tương tự đối với sản phẩm thép, dệt may, da giày, hàng gia dụng… cũng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng này.
Không chỉ gian lận trong việc tiêu thụ sản phẩm gia công cho nước ngoài tại thị trường Việt Nam, thời gian qua nhiều trường hợp lợi dụng việc gia công hàng hóa tại Việt Nam, các đối tượng đã giả mạo xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu. Hay lợi dụng những lợi thế về thuế, nhiều sản phẩm từ các nước xuất sang Việt Nam rồi tìm đường tái xuất. Ví dụ như trái cây Thái Lan đang "mượn đường" qua Việt Nam để sang Trung Quốc với giá trị lên tới nửa tỷ USD gây nên nhiều lo ngại.
Hiệp hội Da giầy Túi xách Việt Nam trước đó cũng đã phải phát đi cảnh báo và lo ngại việc không loại trừ khả năng hàng Trung Quốc sẽ đội lốt hàng "Made in Vietnam" để xuất khẩu, khi Trung Quốc đưa bán thành phẩm sang Việt Nam gia công hoặc hợp tác với doanh nghiệp (DN) Việt rồi gắn nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu.
Cùng với đó, ngành thép cũng phải lên tiếng sau khi đối mặt với nhiều vụ kiện vì bị nghi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) đã phải gửi kiến nghị Chính phủ có chính sách, giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc nhập khẩu tràn lan các mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương lên tiếng cảnh báo nguy cơ lượng xe đạp điện từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Âu bất ngờ tăng mạnh sau khi xe đạp điện Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá. Theo đó, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2018, lượng xuất khẩu xe đạp điện của Việt Nam sang EU là 138.467 chiếc, đạt kim ngạch 66,9 triệu Euro, tăng 47,4% về lượng và 22,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
“Việc lượng xuất khẩu xe đạp điện từ Việt Nam sang EU tăng nhanh, trùng với thời điểm EC điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Khoai tây Đà Lạt nhiều phen khốn đốn vì bị nhái |
Kêu gọi DN cân nhắc vì quyền lợi chung
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hàng hóa nước ngoài đang có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi "miễn phí" và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Cùng với đó, Cục xuất nhập khẩu cũng chỉ rõ, Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam”, họ đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.
Trước tình hình trên, PGs.Ts. Nguyễn Văn Lịch, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao, cho rằng Nhà nước cần kiểm soát tốt đường biên giới cũng như hoạt động nhập khẩu để giảm thiểu gian lận trong nhập khẩu, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tới uy tín hàng hóa của Việt Nam, tăng cường kiểm tra ngay từ khi cấp C/O và sau khi cấp, phân luồng để xác định các mặt hàng và DN có độ rủi ro cao.
Mới đây trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi về tình trạng hàng hoá nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận đúng là có thực trạng này, không những là xuất khẩu mà còn đội lốt hàng Việt Nam để bán ngay tại thị trường Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng cho biết, giải pháp để đối phó và giảm thiểu tối đa việc này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính… ngăn cả hai chiều xuất và nhập khẩu hàng hóa. Bởi nếu không cẩn thận, có thể một vài doanh nghiệp được hưởng lợi, nhưng nhiều doanh nghiệp khác có thể bị các nước không cho nhập hàng vào họ, gây ra thiệt lại hết sức lớn.
“Chúng tôi cũng kêu gọi một số doanh nghiệp Việt Nam đang tiến hành hoặc có dự định làm việc như vậy thì hết sức cân nhắc vì quyền lợi chung của cả cộng đồng doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên thị trường thế giới”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Minh Lê