3 công ty xuất khẩu lao động bị phạt 240 triệu đồng
(PetroTimes) - Trong tháng 1/2019, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ban hành quyết định xử phạt 3 công ty xuất khẩu lao động số tiền 240 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Lao động chuẩn bị ra nước ngoài làm việc |
Theo đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần Phát triển nhân lực VietPround. Mức phạt là 20 triệu đồng do công ty này không cung cấp tài liệu bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định của pháp luật.
Cũng trong tháng 1/2019, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Triển Việt bị xử phạt với mức tiền 90 triệu đồng. Lý do là không thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của hợp đồng theo quy định; thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; không cấp tài liệu bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần kết nối nhân lực Việt là doanh nghiệp bị phạt cao nhất trong tháng 1/2019 với mức phạt là 120 triệu đồng. Cụ thể, Công ty này bị xử phạt do không thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của hợp đồng theo quy định; thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; không đăng ký mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cấp cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; nộp không đầy đủ số tiền đóng góp của người lao động vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, các sai phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thường là hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài không ghi rõ các khoản tiền mà người lao động phải trả. Việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết của doanh nghiệp chưa đảm bảo thời lượng số tiết và nội dung chương trình đào tạo. Doanh nghiệp không thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện hợp đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trong thời gian tới, hoạt động thanh, kiểm tra tại các doanh nghiệp hoạt động về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được tăng cường, qua đó kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý các sai phạm.
N.H
Xuất khẩu lao động lập kỷ lục về số lượng |
Hơn 142 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018 |
Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài |