Dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng tới con người?
(PetroTimes) - Theo Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO), bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) không phải là mối nguy hiểm đối với con người. Thịt lợn vẫn có thể được tiêu thụ an toàn khi nấu chín.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày.
Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và ăn thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
"Siêu" virus này có khả năng kháng khuẩn và khử trùng. Nó tồn tại trong thời gian 2-4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Virus này có thể sống sót trong xúc xích hun khói hoặc một phần xúc xích và các sản phẩm thịt heo khác. Tuy nhiên nó có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút.
Tại châu Á, dịch tả lợn xuất hiện vào năm 2017, dịch bệnh đã khiến Trung Quốc phải tiêu hủy hơn 20.000 con lợn và động vật nhiễm bệnh tại nước này, đồng thời dịch bệnh cũng gây quan ngại lớn cho ngành chăn nuôi tại Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh |
Theo đại diện của FAO, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, việc phát hiện, thông tin kịp thời để xử các trường hợp nghi ngờ lợn mắc bệnh rất quan trọng… Hiện không có vắc-xin hiệu quả để bảo vệ lợn khỏi bệnh và chủng virus dịch tả lợn châu Phi độc lực cao (loại đã thâm nhập vào Trung Quốc) có thể khiến 100% số lợn nhiễm bệnh bị chết.
Việc kiểm soát của dịch bệnh trên là vô cùng khó khăn, do virus gây bệnh này có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, và ngay cả trong các sản phẩm thịt lợn sấy khô hoặc đã giết mổ.
Người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn; không tới khu chăn nuôi lợn đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng. Khi thấy lợn chết, hãy báo cáo cho cán bộ thú y xã hoặc chính quyền địa phương. Không mang lợn hoặc các sản phẩm thịt lợn ra nước ngoài.
Đối với người nuôi lợn, phải khai báo bất kỳ trường hợp đáng ngờ nào (lợn chết hoặc còn sống) cho cơ quan thú y vì đặc điểm của dịch là không chết cả đàn, mà chết từ từ. Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh khu chăn nuôi và tại các chợ như thường xuyên.
Không cho khách tới thăm khu nuôi, tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với đàn lợn. Không cho lợn ăn thức ăn thừa không đảm bảo hay đồ ăn có chứa thịt.
Không tặng hoặc bán lợn chết cho người khác và không dùng lợn bệnh làm thức ăn cho động vật. Không vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn nhà hoặc lợn rừng (sản phẩm làm tại nhà) ra, vào vùng có dịch.
G.M (t/h)
Hà Nội tăng cường phòng chống dịch tả lợn châu Phi |
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam |
Dịch tả lợn châu Phi có nguy hiểm cho người? |