Cục trưởng Đường sắt: Chất lượng toa xe kém dễ gây trật bánh tàu
Cục Đường sắt đã lập tổ điều tra độc lập đánh giá các sự cố, yêu cầu Tổng công ty Đường sắt tăng cường bảo trì nền đường, toa xe.
Từ cuối tháng 1 đến nay, ngành đường sắt xảy ra bốn vụ trật bánh tàu trên tuyến Bắc Nam. Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Đường sắt Việt Nam, cho rằng nhìn từ những bức ảnh hiện trường thì toa xe cũ, hạ tầng chưa được bảo trì tốt có thể là nguyên nhân. Ngoài ra, việc tăng tần suất chạy tàu dịp Tết khiến hạ tầng quá tải, chất lượng toa xe không đồng đều từ khi lập đoàn tàu, có nhiều đoàn tàu vẫn chạy tốt và có đoàn gặp sự cố.
Lãnh đạo Cục Đường sắt cho hay đã lập tổ điều tra độc lập để đánh giá các sự cố vừa qua, đồng thời yêu cầu Tổng công ty Đường sắt tăng cường bảo trì hạ tầng đường, phương tiện toa xe. "Các sự cố chưa phải là tai nạn đường sắt nên thẩm quyền điều tra nguyên nhân thuộc Tổng công ty Đường sắt, chúng tôi đã yêu cầu cơ quan này có kết luận trong tháng 2", ông Khôi nói.
Sự cố trật bánh tàu hàng tại ga Suối Kiết (Bình Thuận) ngày 19/2. |
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông tin, doanh nghiệp tập trung cứu hộ hai đoàn tàu hàng bị trật bánh ngày 18/2 và 19/2, sau đó sẽ kiểm tra hạ tầng, phương tiện để tìm hiểu nguyên nhân sự cố, đồng thời tăng cường rà soát toa xe từ ga xuất phát và hạ tầng đường sắt trên nhiều khu đoạn.
Về vụ trật bánh tàu SE1 ở ga Sông Lòng Sông (Bình Thuận) ngày 27/1, hiện Tổng công ty chưa kết luận nguyên nhân do Hội đồng giám định phải kiểm định toa xe và một số thiết bị tại ga. Vụ trật bánh tàu TN7 tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 14/2 xác định nguyên nhân ban đầu là đường ray bị gẫy.
"Các tàu trật bánh thời gian qua có các loại toa xe khác nhau, có đóng mới, có toa cũ, cả tàu khách, tàu hàng, vị trí khác nhau nên có thể do trùng hợp chứ không phải yếu tố dây chuyền", lãnh đạo Tổng công ty nhận định.
Về tần suất chạy tàu, doanh nghiệp cho rằng ngày thường tuyến Bắc Nam chạy 17 đôi tàu, dịp cao điểm Tết tăng lên 21 đôi, chưa phải là nhiều và vẫn đáp ứng năng lực hạ tầng đường sắt. Trước khi khởi hành, các tàu đều được kiểm tra chất lượng và hạ tầng đường được kiểm tra định kỳ, không thể để tàu xuất hành với phương tiện không đảm bảo.
8h ngày 19/2, tàu hàng AH2 chạy từ hướng Sài Gòn đi Hà Nội, khi đi vào ga Suối Kiết (tỉnh Bình Thuận) bị trật bánh khỏi đường ray khiến hai toa xe hàng đổ. Các toa xe hư hỏng, không có thiệt hại về người.
Gần 8 tiếng trước đó, lúc 0h30, tàu hàng SBN1 hành trình Bắc Nam khi tới khu gian Mỹ Lý - Quán Hành (Diễn Châu, Nghệ An) thì bị trật bánh. 700 m đường ray bị ảnh hưởng nhẹ. Không có toa nào bị lật.
Ngày 14/2, tàu khách TN7 đang về ga Sài Gòn, khi đến đường Đồng Khởi (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã bị trật bánh khỏi đường ray.
Ngày 27/1, tàu SE1 trên tuyến Bắc Nam, khi chạy qua ghi N102 ga Sông Lòng Sông (Tuy Phong, Bình Thuận) thì bị trật bánh 4 trục. Sau hơn 13 giờ, ngành đường sắt mới khắc phục xong sự cố, nhưng làm chậm giờ nhiều đoàn tàu, hàng nghìn hành khách phải vật vờ chờ tàu.
Theo VnExpress